Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ba Lan: 'Mở khóa' hợp tác kinh tế, 'gọi tên' hành động, dự án cụ thể

Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sắp thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Joanna Skoczek đã chia sẻ ý nghĩa và kỳ vọng về chuyến thăm cũng như triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Ba Lan. (Ảnh: QT)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Ba Lan. (Ảnh: QT)

Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm chính thức Ba Lan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với hợp tác Việt Nam-Ba Lan?

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ba Lan trước thềm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Ba Lan và Việt Nam (4/2/1950-4/2/2025) rất có ý nghĩa. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Ba Lan sau 17 năm.

Ba Lan và Việt Nam là những đối tác quan trọng của nhau, có lịch sử hữu nghị lâu đời, sự hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta cần nỗ lực làm việc mỗi ngày để thúc đẩy mối quan hệ đối tác quan trọng này bằng các hành động và dự án cụ thể. Bên cạnh tầm quan trọng về mặt chính trị, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ với tiềm năng to lớn, thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh giữa hai nước.

Chuyến thăm là cơ hội để hai bên cùng đánh giá lại quan hệ hợp tác song phương và xác định các lĩnh vực cùng quan tâm, có thể đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm lần này, do đó, đây là cơ hội để tạo ra không gian cho các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp hai nước, tăng cường sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy kim ngạch thương mại, trao đổi khoa học và học thuật.

Tôi cho rằng sự hiểu biết lẫn nhau sẽ là chìa khóa cho hợp tác thành công, là nền tảng thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng trong bối cảnh an ninh quốc tế hiện nay. Đôi khi chúng ta có thể có những quan điểm khác nhau nhưng điểm gắn kết giữa hai nước là sự tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và kiên định chủ quyền trên đất liền và trên biển.

Các quốc gia như Ba Lan và Việt Nam, vốn đã từng trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hiểu rất rõ rằng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương hiệu quả là chìa khóa cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của các quốc gia. Vì vậy, chuyến thăm sẽ là cơ hội để chứng minh lập trường chung của chúng ta về các vấn đề này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bên lề WEF Đại Liên tháng 6/2024. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bên lề WEF Đại Liên tháng 6/2024. (Ảnh: VGP)

Trong suốt 75 năm qua, theo Đại sứ, đâu là những điểm nhấn, tài sản quan trọng nhất trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ba Lan?

Tài sản lớn nhất trong quan hệ của chúng ta là yếu tố con người. Hai nước có truyền thống lâu đời về trao đổi học thuật. Đặc biệt là trong những năm 1970 và 1980, hàng ngàn sinh viên Việt Nam đã đến Ba Lan và tốt nghiệp các trường đại học Ba Lan, sau này trở thành những thành viên quan trọng của chính phủ, quân đội và ngành công nghiệp.

Đối với tôi, việc gặp gỡ các thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam-Ba Lan, những người luôn giữ Ba Lan trong trái tim, dành nhiều sự quan tâm cho đất nước chúng tôi, những người vẫn có thể nói tiếng Ba Lan, luôn là một trải nghiệm xúc động.

Ngày nay, Ba Lan có nhiều chương trình đa dạng dành cho sinh viên quốc tế nên tôi hy vọng sẽ thấy nhiều người Việt trẻ đến Ba Lan hơn. Chúng ta cần nhiều người nói tiếng Ba Lan ở Việt Nam cũng như nhiều người Ba Lan nói tiếng Việt hơn. Chúng ta cần nhiều người hiểu văn hóa và lịch sử của mỗi nước, do vậy những câu chuyện đẹp này cần phải được tiếp tục đẩy mạnh.

Một yếu tố quan trọng khác của quan hệ song phương nằm ở yếu tố lịch sử. Ba Lan đã tích cực tham gia các ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế sau Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973. Điều này đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia, Việt Nam là quốc gia có vị trí không thể tách rời trên bản đồ các quốc gia quan trọng đối với Ba Lan. Từ năm 1954 đến năm 1956, tàu Ba Lan “Kiliński” đã giúp vận chuyển hơn 80 nghìn người, cùng với thiết bị và hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, khi suy ngẫm về những điểm nổi bật trong mối quan hệ của chúng ta, tôi nhớ lại sự hợp tác về di sản văn hóa, khảo cổ học và bảo tồn. Kazik Kwiatkowski, nhà khảo cổ học và bảo tồn Ba Lan đã giúp giải cứu, bảo vệ và quảng bá những báu vật quan trọng nhất của Việt Nam trong giai đoạn 1980-1997, chẳng hạn như ở cố đô Huế, phố cổ Hội An và các đền thờ Hindu ở Mỹ Sơn.

Gần đây hơn, trong thời kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19, đáp lại lời kêu gọi của Việt Nam, Ba Lan đã cung cấp 1,4 triệu vaccine cùng nhiều thiết bị y tế.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Ba Lan đã trở thành quê hương của một cộng đồng người Việt Nam đông đảo, năng động và có tinh thần khởi nghiệp, lên tới hàng chục nghìn người. Người Việt Nam ở Ba Lan hòa nhập tốt vào xã hội của chúng tôi. Họ là giáo viên, bác sĩ, doanh nhân và chủ nhà hàng. Các nhà hàng và quán bar Việt Nam nằm trong số những nhà hàng và quán bar phổ biến nhất ở Warsaw và các thành phố khác. Ẩm thực hấp dẫn, đậm đà và ngon miệng thu hút rất nhiều người Ba Lan muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Röhrenschef, tháng 5/2024.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc Vụ khanh Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Röhrenschef, tháng 5/2024.

Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh - xu hướng phát triển của kinh tế thế giới hiện nay?

Hai nước đều có kinh nghiệm về tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, không ngừng trong những năm qua. Với Ba Lan, đã hơn 30 năm kể từ khi chúng tôi tiến hành cải cách kinh tế và xã hội có hệ thống, tạo điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển.

Bên cạnh đó, hai nước đều đứng trước một số thách thức phát triển, chẳng hạn như quá trình chuyển đổi năng lượng hoặc nhu cầu số hóa. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến hợp tác kinh tế sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), từ đó thúc đẩy các ý tưởng hợp tác.

Ba Lan có thể trình bày những thành công của mình trong quá trình số hóa các dịch vụ công, chẳng hạn như y tế điện tử hoặc "công dân di động". Sự phát triển năng động của các dịch vụ kỹ thuật số đã được thúc đẩy trong đại dịch Covid-19 ở Ba Lan, cho phép bệnh nhân Ba Lan được tư vấn y tế và kê đơn trực tuyến mà không cần phải ra khỏi nhà.

Các giải pháp của Ba Lan trong lĩnh vực này đã được trao Giải thưởng Dịch vụ công của Liên hợp quốc năm 2022 và có thể dễ dàng chuyển giao cho các bên quan tâm.

Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về những thành tựu của mình trong quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm tái chế, giảm phát thải, xử lý nước, năng lượng tái tạo... Vì vậy, tôi kỳ vọng thấy nhiều cuộc trao đổi theo hình thức B2B, từ đó thúc đẩy đàm phán kinh doanh và ký kết hợp đồng trong những tháng tới.

Là một quốc gia thành công về kinh tế, nền kinh tế lớn thứ 6 của Liên minh châu Âu, nền kinh tế thứ 21 trên toàn cầu, Ba Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bài học, bí quyết của mình với các đối tác Việt Nam. Chúng tôi cũng có thể học hỏi từ các bạn, đó là con đường hai chiều.

Đại sứ kỳ vọng thế nào về sự trao đổi đoàn doanh nghiệp giữa hai nước trong năm 2025?

Tôi rất vui mừng khi thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực. Chỉ trong hai tháng qua, tôi đã vinh dự được chào đón các đoàn từ Ba Lan đến Việt Nam như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại giao, Tổng thanh tra Thú y, đại diện cấp cao của Bộ Quốc phòng và Công nghiệp quốc phòng và tôi được biết cũng có nhiều đoàn Việt Nam đến Ba Lan.

Việt Nam là một thị trường thú vị, đầy hứa hẹn và Ba Lan cũng vậy. Các doanh nhân của chúng tôi năng động, có tinh thần kinh doanh, linh hoạt, luôn tìm kiếm những cơ hội mới. Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng tôi thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa hai quốc gia. Tôi tin rằng năm kỷ niệm 75 năm quan hệ song phương, được mở đầu bằng chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, sẽ là một năm thuận lợi cho hợp tác kinh tế.

Ngoài ra, hai nước có thể thúc đẩy hợp tác về công nghệ và thiết bị khai khoáng, địa chất. Du lịch cũng có thể là “ngôi sao đang lên” tiếp theo trong quan hệ kinh tế. Tính đến tháng 11/2024, hơn 43 nghìn khách du lịch Ba Lan đã đến thăm Việt Nam trong năm 2024. Xu hướng này có thể được cải thiện hơn nữa với việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực và phát triển kết nối chuyến bay thẳng.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-ba-lan-mo-khoa-hop-tac-kinh-te-goi-ten-hanh-dong-du-an-cu-the-300396.html