Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày của Vietsovpetro tại triển lãm vùng Đông Nam Bộ

Ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ về thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội của vùng tầm nhìn đến 2045.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức “3 trong 1" bao gồm: triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu các nông sản của vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xúc tiến đầu tư cho vùng Đông Nam Bộ.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham quan gian trưng bày của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Cán bộ Vietsovpetro đã giới thiệu về các mô hình Giàn Tam đảo 02, Tàu VSP 01 và các mẫu dầu thô mỏ Bạch Hổ, mỏ Thiên Ưng, mỏ Rồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày của Vietsovpetro tại Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian trưng bày của Vietsovpetro tại Hội nghị phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Hội nghị được tổ chức tại TP. Vũng Tàu với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu các bộ, ngành và 6 tỉnh thành vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra, còn có lãnh đạo hai tỉnh miền Tây Nam Bộ gắn kết với miền Đông là Tiền Giang và Long An, cùng hàng trăm doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.

Cùng về dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, vùng Đông Nam Bộ là nơi "hội tụ tiềm năng, thế mạnh", có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Có TP. Hồ Chí Minh là trung tâm, đầu tàu kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước, đồng thời có các động lực kinh tế mạnh mẽ như: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại hội nghị, các bộ ngành, tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế cũng sẽ trình bày tham luận của mình về đường hướng phát triển, những cơ hội và thách thức.

Trong chương trình hành động của Chính phủ ban hành theo Nghị quyết 154 có những nhiệm vụ cụ thể như: tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để thành cụm liên kết ngành công nghiệp; phát triển vùng Đông Nam Bộ thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, giao lưu quốc tế của Đông Nam Á; phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; TP. Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, tập trung chuyển nhanh sang dịch vụ chất lượng cao, tài chính quốc tế…

Đáng chú ý, Chính phủ đề ra giải pháp thực hiện thí điểm phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực như tài chính, quy hoạch, đất đai, huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt. Ngoài ra còn phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng do trung ương quản lý, đặc biệt là các công trình giao thông.

Đồng chí Võ Văn Châu - Bí thư Đoàn Thanh niên Vietsovpetro giới thiệu với các đại biểu về mẫu dầu VSP.

Đồng chí Võ Văn Châu - Bí thư Đoàn Thanh niên Vietsovpetro giới thiệu với các đại biểu về mẫu dầu VSP.

Để thực hiện Nghị quyết 154, Chính phủ ban hành 19 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng Đông Nam Bộ như: tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 380 triệu đồng, tỉ lệ đạt chuẩn nông thôn mới 100%, tỉ lệ thất nghiệp dưới 3%…

Tham gia hội nghị, Vietsovpetro đã giới thiệu tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương những mô hình tiêu biểu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của liên doanh.

Gian hàng Vietsovpetro.

Gian hàng Vietsovpetro.

Những năm gần đây, Vietsovpetro đã mở rộng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ra một số lô khác ở thềm lục địa Việt Nam đạt được một số kết quả quan trọng. Kể từ khi thành lập đến hết năm 2022 (Số liệu dự kiến đến hết năm 2022), Vietsovpetro sẽ khai thác hơn 245,8 triệu tấn dầu thô, thu gom và vận chuyển về bờ trên 38,2 tỷ mét khối khí. Tổng doanh thu bán dầu khí đạt trên 86,5 tỷ USD; nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 59,3 tỷ USD (bao gồm: nộp thuế 47,4 tỷ USD; lợi nhuận phía Việt Nam 11,9 tỷ USD; lợi nhuận phía Nga đạt gần 12,0 tỷ USD).

Trong giai đoạn hiện nay, Vietsovpetro tiếp tục tận thăm dò các khu vực tiềm năng, khai thác hiệu quả, thu hồi tối đa trữ lượng dầu khí còn lại trong Lô 09-1; đồng thời tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu, đầu tư mở rộng vùng hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ra các lô mới nhằm gia tăng trữ lượng, ổn định sản lượng khai thác dầu và khí.

Ngoài ra, bằng năng lực và kinh nghiệm của mình Vietsovpetro đã và đang cung cấp các dịch vụ dầu khí chất lượng cao cho các đối tác trong và ngoài nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng tái tạo ngoài khơi để phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay của Việt Nam và thế giới. Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro mong muốn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ ban ngành chính phủ trong lĩnh vực này./.

Hằng Nga

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-quan-gian-trung-bay-cua-vietsovpetro-tai-trien-lam-vung-dong-nam-bo-117673.html