Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'
Sáng 6-4, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự, phát biểu chỉ đạo.
Cùng dự sự kiện có các đồng chí: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai lập các quy hoạch quan trọng mang tính trọng tâm với mục tiêu định hướng sự phát triển của tỉnh cho các giai đoạn tiếp theo.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh bạn và các ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các hiệp hội, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Thừa Thiên Huế hoàn thành việc lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1745/QĐ-TTg ngày 30-12-2023 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định số 108/QĐ-TTg ngày 26-1-2024.
Hai Quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh; từng bước tháo gỡ những “điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Cũng theo nội dung quy hoạch, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc. Tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, LLVT tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong thời gian qua.
Nhấn mạnh Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt, là cầu nối từ Bắc vào Nam, với truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc riêng "rất Huế", Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt Quy hoạch Thừa Thiên Huế trong 13 chữ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững".
Thủ tướng lưu ý, Thừa Thiên Huế cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh" khi triển khai các quy hoạch. "1 trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.
"2 tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.
"3 đẩy mạnh", gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất-cung ứng cho khu vực, thế giới; nhất là những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Lê Trường Lưu khẳng định: Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể để thực hiện hiệu quả các quy hoạch. Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận đầu tư 11 dự án, tổng vốn đầu tư 9.134 tỷ đồng; trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư đối với 10 dự án với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.
*Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã đến dự Lễ khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2. Theo đó, Dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng phần xây dựng và gần 100 tỷ đồng phần trang thiết bị y tế. Công trình có quy mô đầu tư gồm một tòa nhà 6 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 21.000 m2, với đầy đủ hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
Công trình gồm các phòng mổ Hybrid, hệ thống thận nhân tạo, hệ thống xét nghiệm Full Automation, hệ thống chẩn đoán hình ảnh hoàn chỉnh, PACS, LIS, HIS… kết hợp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng khả năng tiếp nhận thêm 300 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế (5 sao). Tiến độ từ khi khởi công xây dựng - hoàn thành là 700 ngày.