Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mông Cổ
Chiều 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mông Cổ Saikhanbayar Gursed.
Thủ tướng chào mừng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mông Cổ cùng đoàn sang thăm chính thức Việt Nam và tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022; tin tưởng chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng nói riêng, quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước nói chung, phát triển lên tầm cao mới.
Hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - Mông Cổ không ngừng được củng cố, tăng cường, phát triển sau gần 70 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục được lãnh đạo các cấp quan tâm, thúc đẩy, ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, thực chất và đạt được những hiệu quả thiết thực. Hai bên cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, hai nước càng cần phải gắn bó, đoàn kết hơn; tăng cường sự tin cậy, hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn coi Mông Cổ là đối tác quan trọng trong khu vực, mong muốn quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ sẽ tiếp tục phát triển hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng mong muốn của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
Việt Nam chia sẻ với những khó khăn về kinh tế - xã hội của Mông Cổ do tác động của dịch COVID-19 và tình hình thế giới, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Mông Cổ trên cơ sở các thế mạnh bổ sung cho nhau.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường quan hệ chính trị - ngoại giao, ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương, đẩy mạnh hợp tác giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng, thúc đẩy hợp tác chuyển đổi số, an ninh mạng...
Thời gian qua trên cơ sở “Thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng” năm 2019, Bộ Quốc phòng và Quân đội hai nước đã không ngừng nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng song phương theo hướng thiết thực, hiệu quả phù hợp với nhu cầu của hai bên.
Thủ tướng đề nghị Ngài Bộ trưởng tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ còn rất nhiều dư địa hợp tác giữa hai Bộ Quốc phòng, hai Quân đội Việt Nam - Mông Cổ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả tương xứng với khuôn khổ hợp tác giữa hai nước.
Chính phủ hai nước luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để Bộ Quốc phòng, Quân đội hai nước tăng cường giao lưu, nâng cao hiểu biết, củng cố tin cậy lẫn nhau, cùng nhau hợp tác trên cơ sở phù hợp với nhu cầu, khả năng hợp tác và cùng có lợi.
Bộ trưởng Saikhanbayar Gursed nhấn mạnh Việt Nam có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ và là một đối tác quan trọng trong khu vực. Hai nước luôn luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Mông Cổ coi Việt Nam là đối tác tin cậy; đánh giá cao sự phát triển của đất nước Việt Nam và mong muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam.
Bộ trưởng thông báo về kết quả chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, cũng như các hoạt động hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Quân đội hai nước thời gian qua; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về đào tạo sĩ quan, quân y, văn hóa nghệ thuật, thể thao quân sự, trao đổi kinh nghiệm tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…
Bộ trưởng cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo Mông Cổ về các đề xuất của Thủ tướng và cá nhân ông sẽ quan tâm, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mà Thủ tướng đề cập.
Hai bên cũng trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.