Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
Chiều nay (13/7) tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với các đại diện là cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu; cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố.
Báo cáo với cử tri về kết quả Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cho biết: Kỳ họp đã thông qua qua 34 luật; 14 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến 6 dự án luật. Hầu hết các luật, nghị quyết thông qua đều đạt được sự đồng thuận rất cao của các đại biểu Quốc hội. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất từ trước đến nay; tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" nhưng vẫn bảo đảm nền nếp, cẩn trọng, kỷ cương, đúng quy định của pháp luật và hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật ý nghĩa lịch sử của Kỳ họp thứ 9, là dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập Hiến, lập pháp của Quốc hội khóa 15. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.
Trao đổi với cử tri về kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh thời gian tới thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tập trung chuyển đổi trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân, tạo không gian phát triển mới, tạo giá trị gia tăng mới, tạo khí thế, động lực mới, truyền cảm hứng và tạo sự phát triển cho đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021-2025. Đồng thời cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết chiến lược đảm bảo mục tiêu ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược, đó là đột phá về thể chế, giảm chi phí tuân thủ, giảm chi phí hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ thực tiễn còn vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ở cơ chế tài chính; xây dựng và khai thác hiệu quả Quỹ học công nghệ; quản lý tài sản; xác lập sở hữu; kết quả nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu...
Cử tri Nguyễn Đăng Khôi, Đại học Cần Thơ đề xuất tháo gỡ vướng mắc về tài chính, giúp nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống nhanh và mạnh hơn: "Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu bảo đảm kinh phí cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cần ưu tiên các dự án trọng điểm, trọng tâm mang tính liên ngành, có tính đột phá và lan tỏa. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế tài chính cho dự án mang tính liên ngành, liên vùng".
Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Vấn đề liên quan đến kinh phí cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo - nguồn lực về tài chính. Một là, chúng ta dành kinh phí 3% cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Sang năm 2026 thì sẽ dành cao hơn là 5%. Thứ hai là thuế phí, lệ phí, ưu đãi. Thứ ba, là tiếp cận nguồn lực một cách bình đẳng, ưu đãi tín dụng... Nguồn lực về tài chính thì tôi có thể trả lời như vậy".

Cũng tham gia trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Hoàng Minh cho biết: "Các nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện nay sẽ được thực hiện theo hình thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Trước đây chúng ta đăng ký nhiệm vụ là theo dự toán hàng năm cấp kinh phí theo dự toán hàng năm, thậm chí là phải được phê duyệt trước. Nhưng bây giờ sẽ được cấp kinh phí ngân sách theo dự toán, theo nhu cầu hàng năm, theo thống kê của năm trước và không phải phê duyệt dự toán nhưng. Đồng thời hình thức thực hiện được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, theo cam kết và đăng ký của cơ sở quản lý nhiệm vụ cũng như là của chủ trì. Hình thức của chúng ta là thực hiện hoàn toàn thông qua các cơ chế quỹ. Đây sẽ có quỹ của quốc gia và có quỹ của các bộ, ngành, các địa phương cũng được thực hiện cả hai hình thức, tức là bố trí ngân sách theo cơ chế quỹ và sử dụng kinh phí theo cơ chế quỹ".

Các cử tri cũng đề xuất thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở nước ta, cử tri Lê Văn Vàng nói: "Sự thành công của công nghiệp bán dẫn chắc chắn cần có các chính sách đối với doanh nghiệp và các dự án liên quan cũng như phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này. Nhiều địa phương, trong đó các thành phố Cần Thơ đang rất quan tâm đến phát triển khu công nghệ số tập trung, để góp phần phát triển công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi số quốc gia. Xin Thủ tướng cho biết những chính sách trọng tâm và giải pháp sẽ được ban hành và triển khai trong thời gian tới để phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi số".
Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Công nghiệp bán dẫn hay trí tuệ nhân tạo chúng ta đã và đang làm rất tích cực. Vấn đề này liên quan đến cơ chế, chính sách đã ban hành. Hạ tầng cho sản xuất bán dẫn và cũng đang phát triển, nhất là điện. Nguồn nhân lực, hiện đang xây dựng 100.000 kỹ sư lĩnh vực này; Vấn đề quản trị thông minh trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là cơ sở dữ liệu, tạo ra sức sản xuất mới".

Về thu hút trọng dụng nhân tài, Thủ tướng khẳng định phải coi trọng nhân tài. Khuyến khích học các môn cơ bản; phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên; ưu tiên nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mới. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà khoa học có rủi ro trong quá trình nghiên cứu. Ban hành cơ chế thông thoáng bảo đảm liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà trường. Tôn vinh và đánh giá xứng đáng hoạt động của các nhà khoa học.
Thủ tướng mong cử tri, nhất là các nhà khoa học tiếp tục đóng góp ý kiến, hiến kế cho đất nước; tiếp tục phát huy tinh thần làm chủ của người dân, doanh nghiệp với tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, do đó người dân cũng phải đóng góp vào việc xây dựng chính sách, để chính sách đi vào cuộc sống, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng yêu cầu thành phố Cần Thơ cần hoàn thành dứt điểm xây dựng Bệnh viện Ung bướu, đề xuất giải pháp đầu tư mới bằng vốn đầu tư công, phấn đấu năm 2026 hoàn thành công trình. Đồng thời mong thành phố Cần Thơ mới sẽ phát huy vai trò đầu tàu khu vực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Chiều cùng ngày, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Cần Thơ - nơi yên nghỉ của gần 3.800 liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến cứu nước và nghĩa vụ quốc tế cao cả. Cũng chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới kiểm tra, động viên đội ngũ cán bộ, công chức đang làm nhiệm vụ và người dân tới làm thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ).