Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến công tác tại Brazil
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân cùng Đoàn Đại biểu Cấp cao Việt Nam đến Rio de Janeiro bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị BRICS mở rộng năm 2025.
Sau hơn 25 giờ bay (kể cả thời gian dừng kỹ thuật tại Paris, Pháp), vào lúc 5h45 phút, giờ địa phương (tức 15h45 phút, giờ Hà Nội), ngày 5/7, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã tới sân bay quân sự Galeao ở thành phố Rio de Janeiro; bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra từ 4 - 8/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Rio de Janeiro, bắt đầu chuyến công tác tại Brazil - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đón Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil Laudemar Goncalves de Aguiar Neto; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, kiều bào Việt Nam tại Brazil.
Với chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn", Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách Nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, một cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tại sân bay - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại diện cho Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS năm 2025 với tư cách quốc gia đối tác - nước đối tác thứ 10 của BRICS, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại các Phiên họp cấp cao của Hội nghị về các chủ đề: Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế - tài chính, trí tuệ nhân tạo, môi trường, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu…
Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam; Brazil là nước có quan hệ Đối tác chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Do đó, việc tham dự Hội nghị là cơ hội để Việt Nam tham gia chủ động, tích cực vào quá trình thúc đẩy quản trị toàn cầu bao trùm, bền vững, nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức hiện nay, cũng như trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, tầm nhìn, thực tiễn về phát triển, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực phù hợp với ưu tiên và lợi ích của Việt Nam.

Chuyến công tác của Thủ tướng là cơ hội để Việt Nam củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về các hoạt động song phương tại Brazil, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tới dâng hoa tại Biển Kỷ niệm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Rio de Janeiro; hội kiến lãnh đạo Brazil; dự và phát biểu tại chương trình tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Brazil và tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Brazil; thăm và làm việc tại một số cơ sở văn hóa, thể thao nổi tiếng của Brazil.
Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh, trong khi Việt Nam cũng là một đối tác quan trọng của Brazil tại Đông Nam Á. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Brazil tăng nhanh, đạt gần 8 tỷ USD năm 2024. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch song phương lên 10 tỷ USD năm 2025 và 15 tỷ USD năm 2030.Đặc biệt, Việt Nam mong muốn sớm khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) mà Brazil đang là thành viên. FTA giữa Việt Nam và Mercosur được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, mang lại kết quả thực chất cho doanh nghiệp và người dân hai nước. Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Mercosur.