Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng
Chiều 5/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề 'Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới'.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại diễn đàn. Tham dự diễn đàn còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi cùng lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay; các tiêu chí đánh giá mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế; thực trạng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua; những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của một số nước về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hoặc ban hành các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài; đề xuất cách tiếp cận và các chính sách, giải pháp để bảo đảm giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam xác định lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Trong hơn 35 năm Đổi mới, chính việc thực hiện hiệu quả các chủ trương nói trên đã góp phần làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Theo Thủ tướng, việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách phải luôn trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, là tất yếu khách quan.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.
Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích; tích cực tham gia sâu, góp phần định hình "luật chơi" trong hội nhập quốc tế.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.
Phát biểu tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, nêu rõ: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Việt Nam kể từ khi thực hiện công cuộc Đổi mới vào năm 1986 đến nay.
Sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật. Quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Tỉ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
“Để đạt được những thành tựu trên, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo mô hình nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.
Ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh mới của thời đại, trong những năm qua TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công doạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.