Thủ tướng: Phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc
Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho hạ tầng quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.
Tăng cường phát triển hạ tầng Quốc gia
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn Quốc hội sáng 10/11.
Thủ tướng khẳng định thực trạng hiện nay là việc phát triển hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ. Chính phủ đang tập trung nguồn lực cho hạ tầng quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc, đến 2025 hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời, tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu, chống ngập và chống ùn tắc giao thông, đẩy mạnh hạ tầng số, kết nối dữ liệu đồng bộ để phát triển kinh tế số…
Thủ tướng cũng nhấn mạnh không bỏ sót những dự án nhỏ, chiếc cầu nông thôn, nên Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đề cập vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm làphát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng cho rằng đây là vùng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi biến đổi khí hậu. Do đó, cần tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, có nhiều giải pháp giải quyết vấn đề giao thông nội vùng và liên vùng.
"Chúng ta đã triển khai một số công trình quan trọng, quy mô lớn như Cái Lớn – Cái Bé, cống Trà Sư, khánh thành 51km Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ… Thời gian tới, sẽ bố trí hơn 1 tỷ USD, tương đương 22 nghìn tỷ cho khu vực này và giai đoạn tiếp theo tiếp tục đầu tư cho giao thông vận tải nội vùng và liên vùng như đường ven biển, đường TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu…", Thủ tướng nói.
Bốn lời giải cho bài toán cân đối ngân sách
Trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170 nghìn tỷ so với năm 2020, Thủ tướng cho biết, để giải bài toán cân đối ngân sách, trước hết, phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.
Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế…
Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các cấp các ngành phải bám sát dự toán ngân sách. Khi cần thiết, sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng tài khóa trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, trong lúc khủng hoảng toàn cầu, chúng ta phải giữ được kinh tế vĩ mô ổn định.
Thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) vềthực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng cho biết, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp,song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc.
‘‘Cần quan tâm hơn nữa vấn đề vắc xin để chúng ta chủ động hơn. Khi chưa có vắc xin thì chưa nói chủ động chống dịch được’’, Thủ tướng nói và đề nghị tiếp tục nâng cao hệ thống y tế dự phòng, mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân. Bởi Chính phủ cũng không bao giờ chấp nhận tình trạng bệnh nhân mù mờ trước chi phí y tế, không để ai bị bỏ rơi do chi phí vắc xin cao.
Trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới
Nhắc đến việc thời gian gần đây thiên tai và thời tiết khắc nghiệt, tần suất dày hơn, Thủ tướng nêu thực tế đau lòng khi thiên tai, bão lũ cướp đi sinh mạng nhiều người dân vô tội. Đau xót nhất khi nhiều thi thể trẻ em được tìm thấy tại hiện trường các vụ sạt lở.
“Có đến 6 thi thể trẻ nhỏ, chưa được học hết trên lớp, chưa chơi xong trò chơi và nhiều ước mơ chưa thực hiện được”, Thủ tướng trầm giọng.
Theo ông, thiên tai, bão lũ xảy ra do biến đổi khí hậu cực đoan và nhiều lý do khác, tạo ra nhiều tranh luận về thủy điện nhỏ. Song, dù nguyên nhân trực tiếp là gì, Thủ tướng vẫn quán triệt phải bảo vệ rừng nghiêm ngặt.
“Đầu nhiệm kỳ tôi yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên và nhất quán quan điểm này. Độ che phủ tăng trở lại, song còn thấp nên phải tiếp tục trồng cây gây rừng như lời dạy của Bác Hồ”, Thủ tướng nhấn mạnh và đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới.
Văn hóa từ chức xuất phát từ trách nhiệm cán bộ
Trả lời nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai) về văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức nhà nước, Thủ tướng cho biết, Luật Cán bộ công chức và Quyết định 1847 của Thủ tướng đã quy định vấn đề từ chức. Công chức, lãnh đạo quản lý không đủ năng lực, không đủ uy tín theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc vì lý do khác chính đáng được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ.
“Để có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức lãnh đạo cần phát huy vai trò trách nhiệm, tinh thần gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng cho biết.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) và Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) về chọn được những người có đạo đức, có tài, có tầm, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Đề án vị trí việc làm, trong đó xác định tiêu chí, điều kiện cụ thể về phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn của từng vị trí làm cơ sở thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng cán bộ, công chức.
Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ để quy định chi tiết chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.
"Người tài không chỉ làm trong nhà nước mà có thể làm ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, trong lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước… nhưng Nhà nước phải tìm cách thu hút nhiều người tài vào quản trị đất nước", Thủ tướng nói.