Thủ tướng Pháp khẳng định bệnh dịch trong tầm kiểm soát

Ngày 19-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19 sau gần năm tuần phong tỏa. Sự lây lan của virus corona chủng mới đã suy yếu đáng kể và như vậy bệnh dịch ở Pháp đã trong tầm kiểm soát.

NDĐT - Ngày 19-4, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19 sau gần năm tuần phong tỏa. Sự lây lan của virus corona chủng mới đã suy yếu đáng kể và như vậy bệnh dịch ở Pháp đã trong tầm kiểm soát.

Tính tới tối 19-4, Pháp ghi nhận thêm 395 ca tử vong ở các bệnh viện và nhà dưỡng lão, nâng tổng số lên 19.718. Số người mới nhập viện cũng như bệnh nhân nặng tiếp tục giảm.

Phát biểu trong cuộc họp báo tối 19-4 về chiến lược chống dịch trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định rằng đã có một số kết quả tích cực. Tình hình đang dần cải thiện, chậm nhưng chắc. Tuy nhiên nước Pháp vẫn chưa vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế vì vẫn có thêm những ca mắc bệnh và tử vong hằng ngày. Có khoảng 2-6 triệu người ở Pháp đã tiếp xúc với virus corona và không thể xảy ra khả năng miễn dịch cộng đồng. Còn vaccine chưa chắc đã có để tiêm đại trà trước năm 2021. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ Pháp là giảm mạnh số bệnh nhân và khống chế tỷ lệ lây nhiễm từ người sang người bằng hoặc dưới 1 vào thời điểm bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Thủ tướng Pháp cho rằng chặng đường phía trước còn dài và đầy khó khăn, không chỉ trong việc dập tắt bệnh dịch mà cả việc phục hồi hoạt động trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Từ ngày 11-5, lệnh phong tỏa sẽ được nới lỏng để học sinh dần trở lại trường tùy theo tình hình bệnh dịch ở mỗi nơi và có thể giảm bớt số lượng học sinh trong mỗi lớp. Các doanh nghiệp cũng có thể hoạt động trở lại trừ nhà hàng, quán cà-phê cũng như các sự kiện đông người cho tới giữa tháng 7. Như vậy, cuộc sống sau lệnh phong tỏa vẫn chưa thể trở lại ngay như trước.

Thủ tướng Pháp cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ bắt đầu và chắc chắn sẽ sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1945. Mức tăng trưởng được dự báo là - 8% trong năm nay. Mục tiêu của Chính phủ là duy trì các biện pháp tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp và số người lao động thất nghiệp tạm thời hiện đã lên tới 9 triệu. Do lệnh phong tỏa, hoạt động kinh tế đã giảm 36%, rồi tới 43% trong lĩnh vực công nghiệp, 88% trong lĩnh vực xây dựng, còn ngành dịch vụ nhà hàng, quán cà-phê, khách sạn ngưng trệ.

Trong những ngày tới Chính phủ sẽ xem xét các phương án khôi phục hoạt động cụ thể cho từng lĩnh vực, trong đó có việc áp dụng các biện pháp rào cản chống lây nhiễm như quy định giữ khoảng cách nhất định và bắt buộc đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng.

Hiện Pháp chưa thể xét nghiệm sàng lọc quy mô lớn. Tỷ lệ xét nghiệm hằng ngày hay hằng tuần còn ít hơn rất nhiều so với Đức. Chính phủ cũng chưa đưa ra quyết định về việc triển khai ứng dụng trên điện thoại di động để cho phép cảnh báo về việc tiếp xúc người mắc Covid-19. Bộ trưởng Y tế cho biết, Pháp hiện có khả năng tiến hàng 25 nghìn xét nghiệm/tuần và đặt mục tiêu tới 500 nghìn/tuần sau thời điểm dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh rằng để có thể dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 11-5, ba yêu cầu quan trọng nhất cần phải thực hiện cùng lúc là tuân thủ các biện pháp rào cản, tăng tối đa số lượng xét nghiệm và cách ly được những người có virus corona ở khách sạn hoặc ở nhà. Còn Giáo sư Florence Ader, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Croix-Rousse ở Lyon, cho biết có rất nhiều loại vaccine đang được phát triển trên thế giới và cả ở Pháp. Viện Pasteur sẽ tiến hành thử nghiệm trên người từ hè này.

Trước đó, đề cập đến những biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra đợt lây lan mới, Giáo sư Jean-François Delfraissy - Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Chính phủ Pháp - cho rằng cần cung cấp đủ khẩu trang cho tất cả người dân và xét nghiệm sàng lọc trên quy mô lớn. Vì khẩu trang có thể giúp bảo vệ người đeo và cũng tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Dù vậy biện pháp hạn chế tiếp xúc cần được duy trì vì trong các đại dịch lớn, virus thường "ẩn" vào mùa hè, rồi lại bùng phát trở lại vào mùa thu. Đó là trường hợp của dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) cho chủng corona virus mới gây ra vào năm 2012. Dịch này bùng phát mấy đợt rồi chấm dứt nhưng người dân không có được sự miễn dịch. Vì vậy, cần phải rất cảnh giác với đại dịch Covid-19 hiện nay vì còn rất nhiều vấn đề chưa rõ.

Đối với vấn đề miễn dịch sau khi bị nhiễm, Giáo sư Jean-François Delfraissy cho rằng khả năng này có xảy ra nhưng không phải là "tuyệt đối" và nếu có thì cũng không được lâu. Thực tế là có những trường hợp tái nhiễm và hiện chưa xác định được nguyên nhân chính xác là do mức độ kháng thể hay do virus chưa bị tiêu diệt hết.

Trong một diễn biến khác, phòng thí nghiệm của ban quản lý nước ở Paris vừa phát hiện sự hiện diện của một lượng nhỏ virus corona trong 4/27 điểm lấy mẫu của hệ thống nước được sử dụng làm sạch đường phố, tưới cây ở một số công viên, vườn cũng như cho đài phun nước. Ngay trong ngày 19-4, Tòa thị chính Paris đã đình chỉ ngay việc sử dụng nguồn nước "không uống được," lấy từ sông Seine và kênh Ourcq dẫn vào thành phố từ ngoại ô phía bắc, đồng thời cho biết nước uống được là từ hệ thống "hoàn toàn độc lập" khác và không có "bất kỳ dấu vết nào của virus này. Ở Paris, có hai hệ thống nước độc lập cùng tồn tại, đó là nước uống và nước không uống, được lắp đặt từ cuối thế kỷ 19.

* Liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 ở khu vực EU, ngày 19-4, Giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (MES), ông Klaus Regling cho rằng Liên minh châu Âu sẽ phải cần thêm 500 tỷ euro và cũng có thể nhiều hơn.

Trong cuộc phỏng vấn đăng trên nhật báo Corriere della Sera (Italy), ông Klaus Regling cho rằng việc phục hồi kinh tế có thể sẽ rất lâu và tốn kém. Vì vậy lãnh đạo EU sẽ thảo luận về "những công cụ mới với tinh thần cởi mở" kể cả việc sử dụng những định chế có sẵn, nhất là từ Ủy ban châu Âu và từ ngân sách của Liên minh châu Âu. Như vậy sẽ dễ dàng hơn và việc xem xét lại các quỹ cứu trợ có thể giúp tăng cường sự đoàn kết và tương trợ trong khu vực.

Trước đó vào ngày 9-4, các Bộ trường Tài chính EU đã thông qua kế hoạch hỗ trợ có giá trị lên tới 540 tỷ euro để đối phó với hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng dịch tễ do virus corona chủng mới gây ra. Tới ngày 23-4, lãnh đạo các nước thành viên EU sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến để bàn phương án thực hiện kế hoạch này cũng như khả năng thành lập một hình thức bảo lãnh nợ chung.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44150002-thu-tuong-phap-khang-dinh-benh-dich-trong-tam-kiem-soat.html