Thủ tướng phát biểu tại ĐH Havard: Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Chiều ngày 14/5, theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Washington D.C đến thành phố Cambridge, bang Massachusetts để thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard.

Phát biểu tại sự kiện này, giáo sư Thomas J. Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 bộ trưởng từng theo học tại Harvard.

Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn.

Giáo sư cho biết, các cử tọa rất muốn lắng nghe các quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới.

Nhắc lại những kinh nghiệm rất thành công của Thủ tướng trong điều hành tỉnh Quảng Ninh trước khi trở thành lãnh đạo ở Trung ương, ông Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng trường chính sách công Kennedy, Đại học Harvard bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: "Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Harvard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ"

Sau đó, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam, cũng là những vấn đề mà các học giả đặt ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại trường Đại học Havard

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại trường Đại học Havard

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm xóa quan liêu bao cấp, đa sở hữu và hội nhập.

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung.

Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Thủ tướng cho hay, mục tiêu chiến lược phát triển đất nước của Việt Nam: Đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, cần đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.

Về những tư tưởng chủ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh đến 3 trụ cột: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền dân chủ XHCN. Trong đó, xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển...

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trước hết là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng

Cùng với đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hội nhập sâu rộng, thực chất

Bên cạnh đó là tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, tăng trưởng xanh; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.

Quan hệ Việt Nam - Mỹ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-tuong-phat-bieu-tai-dh-havard-viet-nam-xay-dung-nen-kinh-te-doc-lap-tu-chu-hoi-nhap-quoc-te-sau-rong-177771.html