Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019)
Chiều 19/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề 'Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động' do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển tổ chức. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Thủ tướng.
PHÁT BIỂU THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC
Tại Diễn đàn thường niên lần thứ hai về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019
(Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2019)
Thưa bà Pi-ne-lop-pi Gôn-bớc, Phó Chủ tịch cấp cao, Kinh tế trưởng của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB)
Thưa ngài Út-man Đi-on, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam;
Thưa bà Cai-tlin Wie-sen, Điều phối viên lâm thời của Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam,
Thưa bà Robyn Mudie, Đại sứ Úc tại Việt Nam
Thưa các vị Đại sứ, Trưởng Đại diện các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam,
Thưa các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế,
Thưa quý vị đại biểu và các bạn,
Tôi hoan nghênh và đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ hai với chủ đề: Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và Hành động. Diễn đàn lần này với nội dung bao trùm hơn, sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong, ngoài nước, khu vực tư nhân…
Mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2021-2025”; đồng thời, là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như Việt Nam chia sẻ với các nước có cùng trình độ phát triển kinh nghiệm về thành công và thất bại của mình.
Tôi hoan nghênh và trân trọng những ý kiến tham luận, phát biểu hết sức ý nghĩa, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu, trong đó tập trung thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại của Việt Nam (với trọng tâm là Nhà nước pháp quyền XHCN), tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, hoàn thiện bộ máy nhà nước, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng chế biến, chế tạo xuất khẩu để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu; nhiều kinh nghiệm quốc tế đa dạng; cùng các ý kiến đóng góp thiết thực khác.
Thưa quý vị,
Tôi hiểu rằng quý vị là các chuyên gia, bậc thầy về kinh tế, số liệu mà từ sáng tới nay đã phải “chịu đựng” nghe rất nhiều phân tích, con số, tỷ lệ phần trăm,…, vì vậy ở thời điểm sắp kết thúc Diễn đàn, tôi muốn chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước.
Vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao, những gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có được bữa cơm no, có áo mặc ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả.
Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao giấc mơ được hiện thực hóa, để rồi hơn 70 triệu người, gần 1,3% dân số thế giới, trong những thập niên sau đó, đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muôn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính mong ước bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao và đó là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao là 53%, năm 1992 (tính theo mức 1,9 USD/ngày và theo tỷ giá PPP năm 2011), giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018, theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời tầng lớp trung lưu cũng tăng lên hơn 15% dân số và đang tăng nhanh. Xét về quy mô dân số, có thể nói rằng đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử các nước.
Những trẻ em sinh ra từ thập niên đầu Đổi mới nay đã trưởng thành. Có những ước mơ trong họ nay đã thành hiện thực, nhiều người có thể đã là thầy cô giáo, bác sỹ, kỹ sư, luật sư, ca sỹ, vận động viên… song có thể vẫn còn đó nhiều ước mơ dang dở với nhiều day dứt. Những con trẻ ngày nay đang lớn lên trong điều kiện cuộc sống tốt đẹp hơn trước và có những ước mơ tiếp nối mơ ước của các bậc cha mẹ, thế hệ đi trước với những khát vọng bay cao hơn, vươn xa hơn. Chúng ta có vinh dự, trách nhiệm để nuôi dưỡng, tiếp sức cho những ước mơ đó trở thành hiện thực. Phải chăng điều đó là sự tương đồng với phát biểu “Chúng ta trở nên lớn lao bởi những ước mơ” của vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28, ngài Woodrow Wilson.
Một Việt Nam không ngừng mơ ước và luôn hành động quyết liệt để hiện thức ước mơ trong toàn bộ lịch sử cải cách và phát triển vừa qua và tiếp tục trên con đường tiến tới tương lai.
Thưa quý vị,
Ước mơ, khát vọng hướng về phía trước dù rất đẹp, nhưng thực tại là những điều chúng ta buộc phải đối mặt, buộc phải vượt qua. Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, tôi đồng tình, đánh giá cao nhiều nhận định xác đáng của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro; khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu; năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế. Gần đây, tốc độ tăng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. Năng suất lao động có tiến bộ nhưng còn thấp. Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế là thứ 6. Nhiều địa phương, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn
Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà càng thôi thúc chúng tôi không chỉ có khát vọng, ước mơ mà phải hành động, phải vươn lên mạnh mẽ và trong tiến trình còn nhiều gian khó thách thức này rất mong có sự hợp tác, đồng hành của quý vị và cộng đồng quốc tế.
Thưa quý vị,
Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều biến động, khó lường với nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu, biến đổi khí hậu nặng nề,...
Trong tình hình đó, đòi hỏi chúng tôi phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy những thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và phát huy nguồn nhân lực với những quan điểm và hành động mạnh mẽ. Đó là:
Thứ nhất là phải gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội cho phát triển nhanh, bền vững,
Thứ hai là thực hiện Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số;
Thứ ba là phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển.
Tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho nền giáo dục quốc gia. Đặc biệt là đầu tư cho giáo dục thế hệ trẻ, dám ước mơ, dám hành động để vươn xa nối tiếp ước mơ của cha, ông thế hệ đi trước. Tập trung đào tạo nghề cho người dân, nhất là lớp trẻ. Chỉ có thể bằng con đường học tập thì những người trẻ tuổi mới có cơ hội hiện thực hóa ước mơ của mình.
Thứ tư là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của LHQ mang thịnh vượng đến mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm là mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...
Qua báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tôi đánh giá cao chủ đề của 2 phiên thảo luận sáng nay về (i) Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập và (ii) Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, đây là những nội dung phù hợp với quan điểm chiến lược của Chính phủ.
Trên tinh thần đó, tôi muốn chia sẻ về đề xuất (ngày 1/7/2019) của Bà Gôn-bớc (Pinelopi Goldberg), Phó Chủ tịch cao cấp, Kinh tế trưởngcủa Nhóm Ngân hàng Thế giớivề Tầm quan trọng của “các chuỗi giá trị toàn cầu” (GVC) gắn với các hợp tác, chuyển giao công nghệ và giao dịch thương mại “có địa chỉ” trong chuỗi GVC,.. sẽ được WB đưa vào Báo cáo phát triển thế giới 2020 (WDR) tháng 10/2019, và đây là một xu hướng phát triển trên toàn cầu.
Thời gian qua, tăng trưởng thương mại, GDP tích cực của Việt Nam có phần do chúng tôi đã nỗ lực hợp tác FDI, tham gia các Hiệp định FTA quy mô lớn, theo đó đã hướng được “dòng chảy” đi qua Việt Nam của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, điển hình như hợp tác sản xuất và xuất khẩu hàng hóa “có địa chỉ” nằm trong các kênh phân phối của Samsung, LG, Fujitsu, Aeon, Nestle, Nike, Intel,… Tuy vậy, chỉ mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài, thấp hơn tỷ lệ của Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân của Việt Nam mới đạt 33%, nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới thu được “tiền lẻ” khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Không có cách nào khác là Việt Nam phải hành động vươn lên, phát huy nguồn nhân lực năng động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao trình độ để ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, mạnh mẽ tiến lên những “nấc thang” có giá trị gia tăng cao hơn, thu được nhiều hơn khi tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhìn rộng ra, phải chăng đây là một phương cách để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao “quốc lực” để tự tin phát triển nhanh, bền vững, không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Bên cạnh đó, những ý tưởng chính sách nhằm hoàn thiện thể chế mà mà Tiến sĩ Đa-vid Đô-la (David Dollar), Viện Brookings, Hoa Kỳ, nêu ra cần được nghiên cứu nghiêm túc để triển khai cụ thể. Kinh nghiệm về tránh bẫy thu nhập trung bình nhờ đổi mới sáng tạo, như ông Y-ô-gi-va-ran, Nguyên Thứ trưởng Ma-lai-xi-a trình bày rất đáng để Việt Nam học hỏi. Kinh nghiệm của In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và các nước khác cũng như đề xuất của các chuyên gia tại Diễn đàn có nhiều nội dung hữu ích. Việt Nam cần khai thác hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển như đề xuất trong bài trình bày của Tiến sỹ Mát-si-mô Pi-car-đi từ Đại học Công nghệ Sydney. Những khuyến nghị về cách thức tiến lên tầm phát triển mới trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế đa dạng của đại diện OECD cần được tham khảo, phân tích kỹ làm đầu vào khi hoạch định chính sách.
Thưa quý vị,
Tôi trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ và đồng hành của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Úc, các đối tác phát triển trong việc chuẩn bị và tổ chức Diễn đàn quan trọng này.
Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Xin cảm ơn./.