Thủ tướng: Phát triển văn hóa là nền tảng đột phá trong chiến lược phát triển quốc gia
Ngày 1/7, tại cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Chính phủ, đã chủ trì thảo luận về một số nội dung trọng tâm, trong đó có đề án phát triển văn hóa, một trong những trụ cột chiến lược phục vụ mục tiêu phát triển đất nước toàn diện và bền vững.
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đòi hỏi những bước đi mang tính đột phá và tăng tốc trên mọi lĩnh vực, trong đó phát triển văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần vững chắc, là động lực nội sinh quan trọng góp phần hiện thực hóa hai mục tiêu 100 năm mà đất nước đã đặt ra.

Thủ tướng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ chiến lược hiện nay được tiến hành một cách bài bản, toàn diện và đồng bộ, trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm, thành tựu từ các thế hệ đi trước, đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo và thích ứng linh hoạt với bối cảnh quốc tế và trong nước.
Theo Thủ tướng, trong hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường phát triển đặc thù của Việt Nam, văn hóa giữ vai trò là một trong những thành tố then chốt, cùng với chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống văn hóa - lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”.
Từ những mốc son lịch sử như việc ban hành Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII năm 1998, đến các Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946 và 2021, có thể thấy rõ vị trí và vai trò đặc biệt của văn hóa trong chiến lược phát triển đất nước.
Thủ tướng đánh giá, đề án phát triển văn hóa lần này là một đề án lớn, có tính chất phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư chiều sâu cả về lý luận lẫn thực tiễn.
Đề án này nằm trong tổng thể các quyết sách chiến lược gần đây nhằm tạo động lực phát triển đột phá trên những lĩnh vực then chốt.
Cùng với các nghị quyết của Bộ Chính trị đã được ban hành như nghị quyết về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; xây dựng và thực thi pháp luật; phát triển kinh tế tư nhân và hai nghị quyết đang được xây dựng về giáo dục - đào tạo và y tế, đề án về phát triển văn hóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện một trụ cột quan trọng trong hệ thống phát triển quốc gia toàn diện.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đề án với định hướng rõ ràng: “Quốc tế hóa bản sắc văn hóa dân tộc và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới”.
Đây là một tầm nhìn khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, đồng thời bảo vệ và lan tỏa giá trị bản sắc dân tộc ra thế giới. Để cụ thể hóa định hướng trên, Thủ tướng yêu cầu làm rõ các nội dung cốt lõi như nội hàm, phạm vi, đối tượng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và hệ thống nhiệm vụ - giải pháp mang tính khả thi và định lượng rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Theo đó, đề án cần xác lập các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm mục tiêu tổng quát và các mục tiêu chuyên biệt trên từng lĩnh vực văn hóa.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh cần bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng trong phát triển văn hóa; gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hiện thực hóa các cột mốc phát triển của đất nước; đặt người dân vào vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa; thực hiện đột phá về thể chế nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là hình thức hợp tác công - tư; đồng thời thúc đẩy thương mại hóa hợp lý các sản phẩm văn hóa, tạo điều kiện để những người làm văn hóa có thể sống được bằng nghề với thu nhập chính đáng, ổn định và bền vững.
Về các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò chiến lược của văn hóa; tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế phát triển công nghiệp văn hóa, ngành giải trí và mô hình quản lý thông minh; xây dựng cơ chế huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao mức độ thụ hưởng đời sống tinh thần của nhân dân và đẩy mạnh hợp tác quốc tế một cách chủ động, hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện đề án, đảm bảo chất lượng nội dung và tiến độ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Việc xây dựng và thực hiện thành công đề án này không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là một sứ mệnh chính trị - văn hóa, nhằm khẳng định vị thế và tầm vóc văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập và phát triển toàn cầu.