Thủ tướng: Phong trào Đoàn trong bối cảnh dịch COVID-19 là gì?

Sáng nay (25/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trong thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cuộc làm việc thường niên này diễn ra vào dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Đoàn (26/3/1931-26/3/2020). Đây cũng là năm đầu tiên Đoàn Thanh niên không tổ chức lễ kỷ niệm để phòng chống dịch COVID-19.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhìn nhận, tuổi trẻ nước ta luôn nêu cao tinh thần yêu nước, trong từng giai đoạn đều có các phong trào cách mạng. Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, chúng ta đang vận động toàn dân chống dịch, phong trào Đoàn làm gì để chung tay với cả nước, Thủ tướng đặt vấn đề. Trước mắt là chống dịch tốt, giải quyết những vấn đề sau dịch cũng là vấn đề lớn trong năm nay. Vậy cách thức làm việc mới như thế nào? Thủ tướng tiếp tục đặt vấn đề. Nhà nước cần làm gì để tiếp tục tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên, phong trào Đoàn trong giai đoạn có dịch và hậu dịch?

Cho biết luôn chú ý lắng nghe các câu hỏi của thanh niên, Thủ tướng nêu rõ, nhấn mạnh đó là những vấn đề mà ông luôn quan tâm giải quyết.

Tại cuộc làm việc, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện các ý kiến của Thủ tướng tại hội nghị lần trước, kết quả thực hiện quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn Thanh niên.

Cũng theo báo cáo của Đoàn Thanh niên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lắp đặt 150 trạm rửa tay dã chiến trị giá 6,5 tỷ đồng; tặng 40.000 bánh xà phòng cho các điểm tuyên truyền của Đoàn Thanh niên; vận động 10 tỷ đồng để mua 10.000 bộ kit thử nhanh COVID-19; tổ chức Cuộc thi Cover theo bài nhảy “Vũ điệu rửa tay” để tuyên truyền về phòng chống dịch; tổ chức các hoạt động tình nguyện “Ngày làm việc tốt” tuyên truyền cho người dân về dịch, tặng nước rửa tay, khẩu trang; tặng nước ngọt, bình lọc nước cho người dân vùng bị nhiễm mặn trị giá 1,5 tỷ đồng.

Về một số mô hình hay, báo cáo giới thiệu mô hình xây dựng các “Điểm rửa tay” sáng tạo từ vật dụng tái chế phục vụ người dân tại các điểm công cộng (sử dụng lốp xe tái chế kết hợp chậu inox để làm những chậu rửa đẹp mắt với chi phí thấp) hay dự án Phát triển hệ thống cảnh báo sớm COVID-19 toàn cầu (epiNEWS) do Phó Giáo sư Trần Xuân Bách, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng; Phát khẩu trang miễn phí, nước rửa tay tại các chợ dân sinh.

Mô hình “shipper” mang bài tập đến tận tay các em học sinh, đối với học sinh ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin, giáo viên sẽ ra bài tập, photo, lập danh sách học sinh theo thôn, bản, đoàn xã tổ chức cho thanh niên tại địa phương chuyển trực tiếp bài tập đến từng học sinh và ngược lại. Thanh niên góp sức thực hiện “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hỏi từng công dân" để tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong khai báo y tế.

Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về cuộc làm việc này.

Đức Tuân

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/thu-tuong-phong-trao-doan-trong-boi-canh-dich-covid19-la-gi/390843.vgp