Thủ tướng: Quan điểm 'Hà Nội không vội được đâu' giờ đã lạc hậu

Hơn 1.300 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài dự họp tại Hà Nội về triển khai hợp tác đầu tư và phát triển năm 2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội bên lề Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem bản đồ quy hoạch Thủ đô Hà Nội bên lề Hội nghị

Sáng nay, 27/6, Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (số 1, Đại lộ Thăng Long, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm).

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị lần này của Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.

“Tại hội nghị này, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng cho rằng, quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ. Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn.

"Với vị thế mới của mình, Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á. Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc ta", Thủ tướng nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, việc tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác Đầu tư và Phát triển” khẳng định, Hà Nội là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Đồng thời, thể hiện việc Hà Nội tiếp tục quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch trong năm 2020.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế Thủ đô. Theo đó, giảm sâu trong tháng 4, hồi phục trở lại từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh trở lại trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 3,39% - là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF.

Theo Bí thư Thành ủy, việc TP Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” là nhằm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Hội nghị cũng nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, tăng cường liên kết kinh tế giữa các tỉnh, TP với Thủ đô Hà Nội để khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19; là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền TP Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tại Hội nghị này, Thành phố Hà Nội sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD) với số vốn tăng thêm trên 266.229 tỷ đồng (tương đương 12 tỷ USD).

Lãnh đạo Thành phố ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 MOU của các doanh nghiệp trong nước (17,855 tỷ USD) và 13 MOU của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (8,224 tỷ USD).

UBND Thành phố cũng công bố tại hội nghị Danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư cụ thể: 151 dự án công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 34 dự án hạ tầng kỹ thuật; 45 dự án hạ tầng xã hội; 9 dự án môi trường; 13 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; 10 dự án phát triển nhà ở; 15 dự án nông nghiệp; 5 dự án phát triển đô thị trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài).

Văn Huế

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-quyet-dinh-chu-truong-dau-tu-116-du-an-tong-tri-gia-155-trieu-usd-d470105.html