Thủ tướng quyết định nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho người có công, người nghèo

Thống nhất từ ngày 10/11, nâng mức hỗ trợ lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025- là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo hôm 10/11.

Hội CCB huyện Gio Linh phối hợp tổ chức khởi công xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội cho hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn -Ảnh: Minh Đức

Hội CCB huyện Gio Linh phối hợp tổ chức khởi công xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội cho hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn -Ảnh: Minh Đức

Tại phiên họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: Xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc (như xác định đối tượng, đất ở, huy động, sử dụng nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện...) và biện pháp khắc phục; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025.

Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết nhấn mạnh việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình đồng chí, nghĩa đồng bào cao cả, mang tính toàn dân, toàn diện, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải tạo phong trào, xu thế, tổ chức như ngày hội, như chiến dịch, làm việc với tất cả tâm đức vì người nghèo, người có công với cách mạng để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng của thiên tai luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm của an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, góp phần hình thành lưới an sinh xã hội, phát triển nhanh, bền vững, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực.

Về mục tiêu, quan điểm, định hướng, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành đồng thời cả 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải xác định rõ quan điểm hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Phải quán triệt phương châm: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”, “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, coi trọng thời gian để bảo đảm kịp thời, coi trọng trí tuệ với sự thông minh, linh hoạt trong triển khai, coi trọng sự quyết tâm, quyết liệt.

Thủ tướng nêu rõ, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình với tinh thần: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, hiệu quả cân đong đo đếm được, được nhân dân ghi nhận.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chính quyền địa phương các cấp có vai trò quyết định sự thành công của Chương trình, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lưu ý phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để bảo đảm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.

Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí trong phân bổ nguồn lực

Thủ tướng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo tới cấp xã do bí thư cấp ủy đứng đầu, hoàn thành trước 30/11/2024, họp Ban Chỉ đạo hằng tháng để rà soát, kiểm tra, đôn đốc công việc. Rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn lực hỗ trợ vận động được từ Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát và nguồn lực hiện có của Quỹ Vì người nghèo để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả tích cực, đúng mục tiêu, lưu ý bảo đảm không trùng lắp, thất thoát, lãng phí. Về phương châm, trách nhiệm của địa phương trong việc huy động hỗ trợ, giải quyết số hộ phát sinh, Thủ tướng chỉ rõ đây là trách nhiệm của địa phương, cần đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, nỗ lực vận động nguồn lực thực hiện, không ỷ lại vào Trung ương.

Về một số vấn đề cụ thể liên quan tới đất đai, kinh phí, nhân công, nguyên vật liệu, Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đầy đủ từ Trung ương đến địa phương, địa phương tổ chức thực hiện sáng tạo, vận dụng linh hoạt các quy định, đặc biệt là cấp xã; bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã. Về đất đai, nguyên tắc là không có tranh chấp và công việc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết; đa dạng hóa nguồn lực, nhân công (gồm cả lực lượng quân đội, công an), kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng, dòng họ... và sử dụng hiệu quả nhất.

Thủ tướng thống nhất từ ngày ngày 10/11, nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát lên 60 triệu đồng/căn nhà xây mới (hiện là 50 triệu đồng) và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa (hiện là 25 triệu đồng); cùng với ngân sách nhà nước thì cần khuyến khích các hình thức xã hội hóa.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”; thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

BT

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thu-tuong-quyet-dinh-nang-muc-ho-tro-xay-moi-sua-chua-nha-cho-nguoi-co-cong-nguoi-ngheo-189661.htm