Thủ tướng sắp chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Sáng ngày 19/8, Bộ KH&ĐT tổ chức họp báo về Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 01/08/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Mục tiêu phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện (Ảnh: Bộ VH-TT&DL).

Mục tiêu phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện (Ảnh: Bộ VH-TT&DL).

Nhằm sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngày 27/8/2022, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương tổ chức Hội nghị Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với chủ đề “Tiềm năng - Cơ hội - Hợp tác phát triển”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương: Bí thư, Chủ tịch và các Sở, ngành của địa phương trong vùng và một số tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 600 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.

Đây là hội nghị “ba trong một”, được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, Triển lãm Ảnh nghệ thuật “Vùng Trung du miền núi phía Bắc: Tiềm năng và cơ hội”cũng sẽ được tổ chức trong hai ngày 27-28/8, nhằm giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người vùng trung du và miền núi phía Bắc, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào trong Vùng.

Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng.

Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng một tư duy mới, tầm nhìn mới, cơ hội mới và hợp tác phát triển mới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW, với mục tiêu phát triển Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Chương trình hành động của Chính phủ được xây dựng bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 11-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, các giải pháp cụ thể, các dự án có quy mô lớn, liên vùng gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/thu-tuong-sap-chu-tri-hoi-nghi-phat-trien-kinh-te-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo-1087451.html