Thủ tướng tán thành cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần chủ động tìm thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là công nhân lao động.
Phát biểu kết luận phiên họp Thường trực Chính phủ, bàn các nội dung chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó Covid-19 sẽ diễn ra vào 31/3 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc nghiên cứu cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19 vay vốn không lãi suất để trả lương cho công nhân, mức vay bằng mức lương tối thiểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các báo cáo cho hội nghị toàn quốc sắp tới chất lượng hơn, có “tầm người lãnh đạo”, trong đó phải đi sâu vào các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lo.
Tinh thần lớn mà Thủ tướng nhấn mạnh đó là nâng một số gói hỗ trợ nhiều hơn. Do đó, báo cáo phải phân loại các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương để khẩn trương triển khai. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì phải tổng hợp, sớm báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngay trong tháng 3 này.
Trong các giải pháp của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng, cần chủ động tìm thị trường đầu ra, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, nhất là công nhân lao động. Tìm các nguồn lực đầu tư xã hội, gồm cả FDI và đầu tư tư nhân. Đây là dịp để tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, đào tạo lao động...
Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với lo sản xuất thì phải lo đời sống của nhân dân; giữ doanh nghiệp, giữ công nhân; ổn định vĩ mô. Đặc biệt phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong mọi trường hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng ảnh hưởng đến lạm phát phải được kiểm soát tốt, tránh tình trạng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ để nâng giá trái pháp luật.
Nhấn mạnh đổi mới cách làm là biện pháp cần thiết trong “thời chiến”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải có tinh thần trách nhiệm cao trong triển khai nhiệm vụ.
Nêu các vấn đề cụ thể về đầu tư công, Thủ tướng nhắc lại phải tập trung giải ngân hết vốn năm 2020 với gần 700.000 tỷ đồng, trong đó phải làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh đối, đặc biệt là với Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh có quản lý vốn nếu chậm giải ngân.
Đối với chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ 410.000 tỷ đồng; thực hiện ngay gia hạn nộp thuế tiền sử dụng đất; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác; tăng chi chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội; cắt giảm chi thường xuyên. Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách nhà nước.
Về giải pháp chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý các giải pháp giảm lãi suất, hỗ trợ vốn, trong đó tiếp tục nghiên cứu cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động; sử dụng một phần dự trữ ngoại hối để hỗ trợ ngân sách Nhà nước trong trường hợp cấp bách; nghiên cứu đề xuất gói kích cầu từ trái phiếu Chính phủ như các bộ đề xuất tại phiên họp này.
Đối với vấn đề hỗ trợ người lao động, Thủ tướng thống nhất một số điểm mà Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh Xã hội nêu ra, trong đó có kiến nghị tạm dừng đóng BHXH theo quy định pháp luật, đồng thời yêu cầu báo cáo Chính phủ để thực hiện ngay. Cùng với đó là tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người ngừng việc; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, giữ chân người lao động; hỗ trợ trực tiếp người lao động tạm ngừng việc; cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động không lãi suất, mức vay bằng mức lương tối thiểu.
Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện biện pháp này. Đối với tín dụng tiêu dùng, Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể để kích cầu mạnh mẽ hơn.
Đối với phương án bảo đảm an ninh trật tự mà Bộ Công an nêu ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ có tập huấn các phương án cụ thể. Các địa phương phải thực hiện hiệu quả vấn đề này, không để xảy ra tình trạng mất ổn định ở cả nông thôn và thành thị.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tính toán các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, một kênh tăng trưởng quan trọng, hướng vào phân khúc nhà ở xã hội nhiều hơn./.