Thủ tướng tặng Thừa Thiên Huế 13 chữ để hoàn thành quy hoạch
Để hoàn thành quy hoạch chung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2065, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng tỉnh Thừa Thiên Huế 13 chữ và yêu cầu địa phương tập trung thực hiện '1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh'.
Sáng nay (6/4), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị và phát biểu chỉ đạo. Ngoài ra, dự hội nghị còn có ông Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được trong thời gian qua.
Người đứng đầu Chính phủ đã tặng 13 chữ liên quan đến quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh sạch đẹp, an toàn, bền vững”. Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh”.
“1 trọng tâm" đó là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
“2 tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi.
“3 đẩy mạnh" là đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Tỉnh cần tập trung phối hợp với bộ, ngành hoàn thành thủ tục về Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024.
Đặc biệt, tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng hơn bằng nhiều hình thức khác nhau để nhân dân hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “dân biết - dân hiểu - dân tin - dân theo - dân làm - dân thụ hưởng”.
Theo quy hoạch, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn (GRDP) bình quân 9 - 10%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD; tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân khoảng 10%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc…
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển; các trung tâm động lực: TP Huế, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và Khu công nghiệp Phong Điền. Gắn phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đối với phương án tổ chức đô thị, đáng chú ý là đô thị trung tâm gồm TP Huế (được chia thành 2 quận: quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương), quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung triển khai lập quy hoạch, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư vào 11 dự án, với tổng vốn đăng ký 9.134 tỷ đồng; trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 10 dự án, với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.