Thủ tướng: Tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP

Hôm nay (3/3), Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch COVID-19.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam đã chủ động triển khai công tác phòng chống sớm, không để dịch lây lan. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, cần tiếp tục theo dõi để đưa ra những giải pháp mới để Việt Nam là đất nước an toàn.

Về tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Thủ tướng nêu rõ, mặc dù chịu tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng nhìn chung kinh tế - xã hội của nước ta ổn định và có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI giảm, xuất khẩu tăng, phát triển doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá, an sinh xã hội đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực đã gặp khó khăn, bộc lộ rõ những hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực giảm, đặc biệt là du lịch và hàng không chịu tác động rất lớn. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu; khu vực dịch vụ chịu tác động mạnh của dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới là hết sức thận trọng nhưng cũng không bi quan. Trên cơ sở xác định rõ phân tích, đánh giá kỹ tình hình, xem xét những yếu tố tác động, ảnh hưởng để có giải pháp, đối sách phù hợp, kịp thời.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, quy định nào chưa sát thực tế thì phải bãi bỏ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý về các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh, trước hết là cho du lịch, hàng không, thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu.

Thủ tướng cũng lưu ý, hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại do dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, không phải là bao cấp cho sự yếu kém. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến doanh nghiệp và người dân, không được để lâu, không có cơ chế xin cho, thiếu minh bạch.

Thủ tướng nêu rõ, ổn định vĩ mô vẫn là then chốt, không để vì các lý do khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu này. Các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án và đối sách với tình huống, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực để không bị động, bất ngờ. Theo dõi chặt chẽ biến động của giá cả, thị trường để góp phần kiểm soát lạm phát; không tăng giá điện, đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi găm hàng nâng giá.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. Ảnh: VGP

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội.

Cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ sớm chuẩn bị kỹ nội dung cho hội nghị toàn quốc kiểm điểm trách nhiệm về vấn đề này ngay trong quý I/2020. Với khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, đây sẽ là kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xã hội, năm ngoái chiếm 34% GDP, thì năm nay, con số này phải cao hơn.

Bên cạnh đó, công tác thông tin và truyền thông phải góp phần tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, tuyên truyền các tấm gương trong lao động, sản xuất, chống dịch bệnh COVID-19. Các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thu-tuong-tao-moi-dieu-kien-cho-san-xuat-kinh-doanh-quy-dinh-nao-chua-sat-thuc-te-thi-phai-bai-bo-post74406.html