Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bị phế truất
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 14/8 ra phán quyết phế truất Thủ tướng Srettha Thavisin vì vi phạm các quy tắc về đạo đức khi bổ nhiệm nội các.
Thẩm phán Punya Udchachon cho biết, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đưa ra phán quyết sau cuộc bỏ phiếu với 5 phiếu ủng hộ và 4 phiếu chống, trong đó kết luận ông Srettha đã vi phạm hiến pháp vì bổ nhiệm người không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức vào vị trí bộ trưởng.
Phán quyết của Tòa án Hiến pháp là phán quyết cuối cùng và không thể kháng cáo.
Trước đó, vào tháng 5, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận đơn đệ trình của nhóm 40 thượng nghị sĩ về việc xem xét bãi nhiệm ông Srettha khỏi vị trí Thủ tướng, cáo buộc rằng ông có hành vi vi hiến khi bổ nhiệm ông Pichit Chuenban - một người từng bị kết án sáu tháng tù vì hối lộ - làm bộ trưởng.
Hiến pháp Thái Lan quy định rằng một bộ trưởng phải "không có hành vi vi phạm nghiêm trọng hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức" và rằng chức vụ bộ trưởng của người đó sẽ chấm dứt khi vi phạm quy định.
Đối diện cáo buộc nêu trên, ông Srettha cho biết quá trình bổ nhiệm được thực hiện hợp pháp và cẩn trọng, song nói thêm rằng ông sẽ tôn trọng phán quyết của tòa án bất kể phán quyết đó ra sao.
Ông Srettha trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái sau khi Đảng Pheu Thai của ông giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử diễn ra cùng thời điểm. Với phán quyết nêu trên, ông là thủ tướng thứ 4 của Thái Lan bị Tòa án Hiến pháp phế truất trong 16 năm qua.
Với việc thủ tướng bị phế truất, các nhà lập pháp Thái Lan sẽ phải triệu tập một cuộc bỏ phiếu của quốc hội để chọn ra một thủ tướng mới, người phải là ứng cử viên thủ tướng mà các đảng phái chính trị đã đệ trình lên Ủy ban bầu cử trước cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất.