Thủ tướng Thái Lan tiêm vắc-xin ngừa COVID-19

Mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha và 15 bộ trưởng trong nội các Thái Lan đã được tiêm vắc-xin AstraZeneca ngừa COVID-19 trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước tiếp tục sử dụng vắc-xin này.

Trước đó Thái Lan cũng từng tạm dừng tiêm loại vắc-xin này ngay trước khi Thủ tướng Thái Lan - ông Prayuth và các thành viên nội các bắt đầu tiêm vắc-xin do lo ngại rằng nó có thể gây ra cục máu đông – điều khiến một số quốc gia châu Âu phải tạm dừng tiêm chủng vắc–xin AstraZeneca. 15 Bộ trưởng trong nội các Thái Lan cũng được tiêm vắc-xin AstraZeneca.

Tuy nhiên mới đây, Bộ trưởng Y tế Thái Lan thông báo nước này sẽ tiếp tục chiến dịch tiêm chủng bởi WHO cho rằng chưa có mối liên hệ giữa vắc-xin và tình trạng cục máu đông và khuyến cáo nên tiếp tục tiêm loại vắc-xin này. Bộ trưởng Y tế Thái Lan cho rằng, sở dĩ việc triển khai tiêm vắc-xin được nối lại sau khi nhiều quốc gia cho biết không có mối liên quan của chứng cục máu đông với vắc-xin.

Trước khi được nhận mũi tiêm đầu tiên, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha nói: “Hôm nay tôi sẽ tạo thêm niềm tin cho người dân vào vắc-xin”. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan Prayuth, sắp sang tuổi 67, cho biết ông cảm thấy ổn sau khi tiêm.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha được tiêm vắc-xin

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha được tiêm vắc-xin

Thái Lan đã bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế tuyến đầu và các nhóm đối tượng ưu tiên khác bao gồm các quan chức chính phủ. Hiện vắc-xin AstraZeneca mà Thái Lan đang tiêm đều là sản phẩm nhập khẩu. Trong chiến lược tiêm chủng tổng thể của Thái Lan chủ yếu dựa vào việc sản xuất vắc-xin AstraZeneca trong nước. Dự kiến vắc xin AstraZeneca được sản xuất bởi một công ty trong nước, dự kiến sẽ sản xuất khoảng 61 triệu liều, ít nhất phải tới tháng 6 vắc-xin do Thái Lan sản xuất mới có thể có sẵn để tiêm chủng đại trà.

Liên quan đến phản ứng sau tiêm, cuối tuần qua, AstraZeneca cho biết họ đã xem xét dữ liệu từ hơn 17 triệu người được tiêm chủng ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu và chỉ phát hiện 37 trường hợp đông máu. Cơ quan này cho biết không có trường hợp nào được chứng minh là do vắc-xin gây ra và tỷ lệ cục máu đông thấp hơn nhiều so với dự kiến trong một quần thể có quy mô lớn như vậy. Và phản ứng với vắc-xin cũng tương tự như trường hợp các vắc-xin ngừa COVID-19 được cấp phép khác.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ủy ban cố vấn của cơ quan y tế toàn cầu về an toàn vắc xin đã xem xét các dữ liệu có sẵn và sẽ họp vào ngày 16/3. Theo người đứng đầu WHO, quyết định đình chỉ sử dụng AstraZeneca của một số quốc gia châu Âu không có nghĩa là tỷ lệ đông máu có liên quan đến việc tiêm chủng. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng việc điều tra những trường hợp như vậy là thông lệ. “Mối đe dọa lớn nhất mà hầu hết các quốc gia phải đối mặt hiện nay là thiếu khả năng tiếp cận với vắc-xin”, Tổng Giám đốc WHO nói.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, lưu ý rằng 300 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 đã được tiêm trên khắp thế giới và chưa xảy ra trường hợp tử vong liên quan đến bất cứ loại vắc-xin nào. "Trên thực tế, tỷ lệ bị đông máu ở những người được tiêm vắc-xin của AstraZeneca thấp hơn tỷ lệ mà bạn có thể nghĩ đến trên quy mô toàn dân", Tiến sĩ Soumya nói.

Khuyến cáo của WHO trong thời điểm này là lợi ích của việc sử dụng vắc-xin AstraZeneca cũng như của các hãng dược phẩm khác nhằm đẩy lùi COVID-19 có giá trị hơn nhiều so với những rủi ro mà chúng có thể gây ra.

WHO, AstraZeneca và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đều khẳng định tính an toàn của vắc-xin do AstraZeneca sản xuất và nhấn mạnh không có mối liên quan giữa việc tiêm loại vắc-xin này và các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm chủng.

Hải Yến

(Theo Reuters, CNBC)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-thai-lan-tiem-vac-xin-ngua-covid-19-n188282.html