Thủ tướng thăm tàu vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính bất ngờ đến thăm cảng Itsukaichi tại Hiroshima, Nhật Bản và trực tiếp ngắm nhìn con tàu 'Suiso Frontier' vận chuyển hydro lỏng đầu tiên trên thế giới.
XEM VIDEO:
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản, sáng 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm cảng Itsukaichi. Đây là chương trình bất ngờ nằm ngoài chương trình hoạt động của Thủ tướng.
Lãnh đạo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản giới thiệu với Thủ tướng và các đại biểu đoàn Việt Nam những thông tin quan trọng về con tàu vận chuyển hydro hóa lỏng đầu tiên trên thế giới “Suiso Frontier”.
Vị này cho biết, Nhật Bản đang nỗ lực để hướng tới đưa vào sử dụng năng lượng hydro - một năng lượng khử các bon, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Hydro là một năng lượng sạch có thể được chiết xuất từ các chất khác nhau, không xả CO2 trong quá trình đốt cháy và dự kiến sẽ là một bước đột phá của các bon. Trong những năm gần đây, giới năng lượng trên thế giới, nhiều nước đã đầu tư rất lớn cho hydro, bao gồm cả Mỹ và châu Âu.
Tại cuộc họp Bộ trưởng G7 về Năng lượng lần này, Hydro đã trở thành một chương trình nghị sự lớn và các đại biểu đã đồng ý tăng tốc chuyển đổi của Hiệp hội Hydro. Năm 2017, Nhật Bản đã đưa ra một chiến lược hydro cơ bản và dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, để hình thành thị trường hydro trên quy mô toàn cầu, Nhật Bản cho rằng cần phải có một công nghệ cho phép vận chuyển hydro lớn từ các nước sản xuất đến các quốc gia có nhu cầu năng lượng cao và đất nước Mặt trời mọc đã thành công trong việc này. Tàu Suiso Frontier là một minh chứng cho việc này với các đường ống phức tạp, công nghệ tiên tiến.
Trước khi lên tàu, ông Kanehana Yoshinori từ Công ty Cổ phần công nghiệp nặng Kawasaki (công ty tạo dựng tàu Suiso Frontier) giải thích một số thông tin về con tàu này.
Theo ông Kanehana Yoshinori, hydro là một năng lượng sạch không thể thiếu đối với xã hội khử các bon. Để hydro được sử dụng trên thế giới cần phải có công nghệ "vận chuyển" nhằm xử lý hydro trong một khoảng cách dài và lớn. Đặc biệt, với Nhật Bản việc vận chuyển hydro hóa lỏng là phần rất quan trọng.
Ông cho rằng, Việt Nam không chỉ sử dụng hydro xanh trong các dự án phát điện trong nước mà còn có kế hoạch xuất khẩu hydro sạch cho các nước Đông Nam Á gần đó. Do đó, tàu vận chuyển hydro hóa lỏng sẽ là một trong những phương tiện vận chuyển hydro hữu hiệu.
Thu Hằng (Từ Hiroshima, Nhật Bản). Ảnh:Nhật Bắc