Thủ tướng: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chính là tháo gỡ cho nền kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chỉ đạo trên khi kết luận Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp sáng 21/9.
Tại hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sun Group, T&T, Geleximco, Minh Phú, Masan, Sovico, TH, Cơ điện lạnh (REE), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu".
Do đó, Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
Thủ tướng cũng khẳng định: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sâu sắc đến khu vực kinh tế tư nhân vì đây là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là yếu tố then chốt trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hiện kinh tế tư nhân đang đóng góp 45% GDP, 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra 85% việc làm cho tổng số lao động, chiếm 35% kim ngạch nhập khẩu và 25% kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam đã có những tập đoàn tư nhân vươn ra khu vực và thế giới. Quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
"Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát…
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp tư nhân lớn tham dự hội nghị hôm nay đạt khoảng 70 tỷ USD. Việc huy động được khối tài sản này, cùng với công nghệ, kiến thức, trình độ quản trị, nguồn nhân lực chất lượng cao của các doanh nghiệp bổ sung một nguồn lực lớn cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo tính tự chủ của kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong
Nhấn mạnh tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ đất nước đang có khí thế phát triển mới, các doanh nghiệp tư nhân có tầm nhìn và sứ mệnh đóng góp cho phát triển đất nước, tiếp tục tiên phong đổi mới sáng tạo, triển khai các đột phá chiến lược để cùng đất nước, cùng dân tộc tiếp tục đi lên, phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong. Đó là:
Tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.
Tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia.
Tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.
Tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.
Doanh nghiệp hiến kế phát triển kinh tế đất nước
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn và kiến nghị nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đưa ra đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh, không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.
Ông Vượng cho rằng Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. "Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai", ông nói.
Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, ông Vượng đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.
Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác…
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO, chỉ ra những thách thức trong lĩnh vực logistic, cụ thể là hoạt động của Cảng Chu Lai. Dù có tiềm năng lớn, lượng hàng hóa qua cảng vẫn chưa đạt kỳ vọng do các vấn đề liên quan đến hạ tầng. Ông kiến nghị Chính phủ phê duyệt dự án nạo vét luồng Cửa Lở để cải thiện khả năng tiếp nhận tàu lớn và phát triển kinh tế khu vực.
Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Quốc lộ 14D trong việc kết nối các tỉnh miền Trung và vùng Nam Lào, đề xuất Chính phủ đầu tư để nâng cấp tuyến đường này.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, cũng đã đưa ra nhiều đề xuất quan trọng để phát triển ngành hàng không Việt Nam. Bà kêu gọi Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn, với mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm hàng không của khu vực. Việc đầu tư nâng cấp hạ tầng sân bay, xây dựng đội ngũ máy bay quốc gia, và phát triển dịch vụ kỹ thuật hàng không sẽ giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ hàng không thế giới.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sungroup nhấn mạnh vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đề xuất các giải pháp phát triển "ngành công nghiệp không khói". Theo ông Trường, cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế - xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.
"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2-3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.
Đồng thời, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.
"Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng. Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.
Ông Trường còn đề xuất các bộ, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu…
Trong khi đó, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.
"Thủ tướng, các Phó Thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục", ông Tiền nói.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Ree Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn Masan kiến nghị gia tăng giá trị xuất khẩu cho Việt Nam. Theo đó, thời gian gần đây, giá trị xuất khẩu ở Việt Nam tăng trưởng và phát triển tốt, nhưng đã đến lúc phải tăng trưởng về chất, không tập trung quá về số lượng.
Trên bình diện quốc tế, thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là ưa chuộng thứ 5 trong Top 10 các món ăn nổi tiếng trên thế giới. Tập đoàn Masan đề nghị Chính phủ ban hành lộ trình, chiến lược vươn ra toàn cầu của ẩm thực Việt Nam, xây dựng hình ảnh hưởng thương hiệu ẩm thực của quốc gia, tạo nên những ẩm thực đại sứ của Việt Nam. Đây cũng là hình thức ngoại giao văn hóa đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ngang tầm khu vực và thế giới.