Thủ tướng:'Thể chế tiến bộ sẽ mở đường cho đất nước phát triển'
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách phải được xử lý nghiêm. Thể chế tiến bộ sẽ mở đường cho đất nước phát triển.
Quốc hội chiều nay (10/11) thảo luận ở tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII.
Ở tổ Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Các vấn đề mờ ám, tiêu cực trong chính sách phải được xử nghiêm".
Không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin
Thủ tướng nêu, hiện nay phân cấp cho địa phương vô cùng lớn. Về cả nguồn lực, tài lực, nhân lực. Vì thế, các tỉnh, thành phố phải trong sáng, chứ không phải “ông đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền, phải chấm dứt việc này”.
Cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài, theo Thủ tướng, nguồn lực con người rất quan trọng. “Thái độ thực hiện nghiêm túc, đất nước mới phát triển, người dân mới có niềm tin”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, trong nhiệm kỳ này đã có việc “sai đến đâu sửa đến đó”. Đó là việc làm rất nhân văn nhưng cương quyết để lấy lại niềm tin.
Các địa phương, bộ, ngành phải gương mẫu. Những vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động cụ thể phải xử lý nghiêm, không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin.
“Chúng ta có mấy triệu đảng viên, nếu tất cả làm gương thì chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn, niềm tin rất cao. Cán bộ phải có cả đức và tài, nếu chỉ có đức thì không thể lãnh đạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Với một đất nước 100 triệu dân, Thủ tướng đánh giá việc quản trị không hề dễ nên hệ thống thể chế, bộ máy rất quan trọng. Đặc biệt, phải có cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ sao cho xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Vai trò của Quốc hội là cơ quan giám sát rất quan trọng, “một mình một ngựa không ổn”. "Vì thế, phải báo cáo định kỳ và lấy phiếu tín nhiệm trước Quốc hội"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận.
Thủ tướng bày tỏ “thể chế tiến bộ sẽ mở cửa cho đất nước phát triển”. Mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển, có thu nhập cao không phải mục tiêu đơn giản nếu không có ý chí, quyết tâm.
Tại tổ Bến Tre, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho biết, qua nghiên cứu các văn kiện từ Đại hội VI đến nay cho thấy, “báu vật” quý giá nhất của Đảng là lòng tin của người dân. Đây cũng là vấn đề Đảng trăn trở, nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhiệm kỳ này, vấn đề trên tiếp tục được đề cập trong báo cáo chính trị và báo cáo xây dựng Đảng.
Theo ông, lòng tin cần được ươm mầm, phát triển. Nếu không có biện pháp, không nâng cao được lòng tin của dân, uy tín của Đảng sẽ giảm sút.
Do vậy, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị trước tiên phải khắc phục những yếu kém của cán bộ công chức.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trong bất cứ thời kỳ nào, Đảng cũng rất cần sự yêu mến, ủng hộ của nhân dân. Do vậy, Đảng phải tiếp tục đóng vai trò “thuyền trưởng”, chèo lái con thuyền cách mạng đến bến bờ vinh quang.
“Đảng đã xác định rõ, chúng ta hiện đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ tụt hậu, tham nhũng, thù trong giặc ngoài. Nếu không có lòng tin thì ai gánh vác trọng trách đó? Dân xa rời Đảng sẽ rất nguy hiểm. Người dân đánh giá chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm chính là giặc nội xâm, cần phải loại bỏ”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Chống tham nhũng “từ trên xuống, từ trong ra”
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhìn nhận, chống tham nhũng đã làm được những việc thời gian trước chưa làm được. Chủ trương là chống tham nhũng “từ trên xuống, từ trong ra” phải nói là cực kỳ khó khăn nhưng làm được như vậy thì khôi phục được lòng tin của nhân dân vào việc Đảng không chỉ có quyết tâm chống tham nhũng mà còn làm được.
"Tất nhiên, vẫn còn có điểm nọ, điểm kia, vẫn còn hạn chế nhưng cơ bản công cuộc chống tham nhũng vừa qua giúp niềm tin của nhân dân tăng lên rất nhiều"- ông Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận.
ĐB Trương Trọng Nghĩa hoan nghênh việc nhấn mạnh dân chủ và quyền của người dân: “Trước đây chúng ta hay nói "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", bây giờ chúng ta bổ sung thêm dân giám sát, dân thụ hưởng. Như vậy, có nghĩa là phải thể chế hóa nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là hướng đi rất đúng đắn”.
ĐBQH nêu ví dụ, miếng đất chuyển thành dự án lời 100 đồng thì dân thụ hưởng được bao nhiêu?. Việc này từ trước tới giờ chưa có cơ chế để xác định Nhà nước được bao nhiêu, DN được bao nhiêu, người dân được thụ hưởng bao nhiêu. Vì vậy, với đường lối này chúng ta phải xem xét, cụ thể hóa nó.
Đề cập đến Nhà nước pháp quyền, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chúng ta nói ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp có sự phân công, phối hợp.
Bắt đầu từ Đại hội XII và Hiến pháp 2013 có đặt vấn đề kiểm soát quyền lực. Lần này, Văn kiện có ghi tăng cường kiểm soát quyền lực Nhà nước.
“Cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước là dân chủ trực tiếp. Làm sao để dân giám sát Nhà nước và theo điều lệ của Đảng, dân giám sát cả đảng viên. Cần phải ra được cơ chế này”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Còn dân chủ đại diện, dự thảo Nghị quyết cũng nói rõ tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
“Ở đây có một số ý mới là bớt ĐB của khối hành pháp. Tôi cho rằng kể cả tư pháp cũng bớt ĐBQH, để bớt sức ép và sự xung đột giữa lợi ích"- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nói.