Thủ tướng: Tiếp tục giao thiệp để Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế; Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán...
Như PLO đưa tin, chiều 5-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 2 của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành để tiếp tục đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đã cơ bản giải quyết các vấn đề Hoa Kỳ quan tâm
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần phản ứng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình bên ngoài; tình hình càng khó khăn càng phải giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, kiên định, tự tin, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, nỗ lực, càng áp lực lại càng có động lực để vươn lên, khẳng định mình, vượt qua giới hạn bản thân.
Các đại biểu dự họp đều thống nhất đánh giá khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã thể hiện tinh thần bình tĩnh, bản lĩnh kiên cường, nỗ lực vượt khó, phản ứng chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Đặc biệt, tối 4-4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm rất thành công với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Chính phủ cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Hoa Kỳ, đặc biệt là chủ động giảm thuế theo Nghị định 73/2025 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 5-4. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ kinh tế, thương mại được thúc đẩy trên cơ sở hai nền kinh tế có tính bổ trợ, hỗ trợ chứ không cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau.
Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trong khi Việt Nam nằm trong nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất ở khu vực ASEAN; xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ lớn nhưng có lợi cho cả hai bên.
Nếu Hoa Kỳ áp thuế đối ứng như đã công bố sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, các thị trường gián tiếp của Việt Nam và ảnh hưởng đến người tiêu dùng Hoa Kỳ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc được giao nhiệm vụ trong chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ ngay sau đây phải cùng với phía bạn tập trung triển khai, hiện thực hóa nội dung mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đã nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 4-4. Ảnh: VGP
Nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Hoa Kỳ
Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận, xử lý vấn đề phải mang tính tổng thể, toàn diện, vừa có trước mắt, vừa có lâu dài, cả trực tiếp và gián tiếp, có tổng thể và cụ thể, cả diện rộng và có trọng điểm, cả phi thuế quan và thuế quan….
Ngoài ra cũng phải tính đến tổng thể chung quan hệ kinh tế đối ngoại của Việt Nam; sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, đầu tư, thương mại, tranh thủ doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam; có giải pháp đàm phán phù hợp.
Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng chính sách của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu tổng thể, chiến lược là vẫn phải ổn định đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; ổn định để phát triển, phát triển để ổn định; nhân dân phải được ấm no, hạnh phúc, được tự do kinh doanh, được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.
"Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới là không thay đổi để đạt hai mục tiêu 100 năm đã đề ra" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần tiếp tục có các sáng kiến để phát triển thương mại cân bằng bền vững giữa Việt Nam - Hoa Kỳ. Ảnh: TTXVN
Chỉ đạo một số giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả Nghị quyết 59/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; các kết luận của Bộ Chính trị liên quan tình hình thế giới và bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cùng với đó, tiếp tục có các sáng kiến để phát triển quan hệ thương mại cân bằng, bền vững giữa hai nước, vì lợi ích hai nước và nhân dân hai nước; tiếp tục giải quyết các quan tâm của phía Hoa Kỳ trên tinh thần hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Sức ép để đổi mới
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát ngay các sắc thuế, mở rộng chính sách tại Nghị định 73 theo hướng tiệm cận thỏa thuận cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tại cuộc điện đàm ngày 4-4.
Bộ Công Thương chủ trì, rà soát để tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ các mặt hàng Việt Nam có nhu cầu, có lợi khi nhập khẩu. Xúc tiến đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại phiên họp. Ảnh: VGP
Bộ Ngoại giao cần tích cực thu xếp để đoàn đàm phán của Việt Nam gặp các đầu mối quan trọng của phía Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương tiếp tục giao thiệp để phía Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong lúc chờ đàm phán.
"Trong đàm phán với Hoa Kỳ cần chú ý tránh ảnh hưởng tới quan hệ với các đối tác khác" - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước, khẳng định quan điểm luôn đồng hành, hỗ trợ, sát cánh cùng người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong những lúc khó khăn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa...
Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, tái cơ cấu thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hóa hơn, không phụ thuộc vào một thị trường, khai thác các thị trường mới tiềm năng như Trung Đông, Trung Á…
Thủ tướng một lần nữa khẳng định đây cũng là sức ép để đổi mới, là cơ hội để doanh nghiệp và đất nước ta vươn mình, bứt phá và vươn lên. Ông nhìn nhận vấn đề rất quan trọng là phải có giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn.