Thủ tướng: Tìm mọi cách để tiếp cận nhanh với địa bàn chia cắt do thiên tai, bão lũ
Ngày 24/07, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được truyền trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã phường, đặc khu trên cả nước.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Diễn biến thời tiết rất nhanh, do đó, phải rất sát tình hình và có những biện pháp để phản ứng nhanh. Thủ tướng chỉ đạo, địa bàn đã chia cắt là phải tiếp cận nhanh, tìm mọi cách tiếp cận để cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.
Tại phiên họp, thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân gia đình người bị nạn do thiên tai, đặc biệt là thân nhân gia đình các nạn nhân thiệt mạng, mất tích trong vụ lật tàu Vịnh Xanh ở Hạ Long, Quảng Ninh và trong cơn bão số 3 những ngày vừa qua. Thủ tướng cũng chia sẻ sự mất mát, thiệt hại to lớn về tài sản đối với nhân dân các xã miền núi ở Nghệ An đang phải hứng chịu cơn lũ lớn được đánh giá là chưa từng có do hoàn lưu bão gây ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các lực lượng chủ công cần tiếp cận bằng mọi cách để nắm tình hình, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân và vệ sinh môi trường
Thủ tướng Chính phủ cho biết đã cử Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính vào công tác gấp tại Nghệ An để kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các vùng xung yếu.
"Diễn biến rất nhanh và phải rất sát với tình hình và có những tình huống để phản ứng nhanh. Như Nghệ An, không chủ quan được. Địa bàn đã chia cắt là phải tiếp cận nhanh, tìm mọi cách để tiếp cận. Đang chia cắt thì mới cần đến các lực lượng chủ công của chúng ta tiếp cận bằng mọi cách để nắm tình hình, để cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống cho nhân dân và vệ sinh môi trường", Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 3.321 xã phường, đặc khu trên cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, năm nay, phải triển khai Luật Phòng thủ dân sự được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 7/2024; tổ chức lại hệ thống chính trị ở địa phương 2 cấp, vì vậy có thay đổi về tổ chức, hoạt động. Vì vậy phiên họp này thống nhất lại một số công việc, trong đó có tổ chức. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1585/QĐ-TTg tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia. Điều này phù hợp trong tình hình hiện nay.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước đây và Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện nay. Thủ tướng nêu rõ, theo quy định mới, phòng thủ dân sự bao gồm các biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh... Việc hoạt động theo mô hình mới và chức năng mới theo đúng Luật, trước mắt là phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
"Phòng, chống thiên tai là một nội dung phòng thủ đặc biệt vì nước ta có địa hình trải dài, thường xuyên đối mặt với rất nhiều loại hình thiên như bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng hạn, xâm nhập mặn... "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng nêu rõ, tác động của biến đổi khí hậu tác động khiến thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, khó đoán định; nêu rõ, năm ngoái đã xảy ra cơn bão số 3 (Yagi) lớn nhất trong nhiều năm qua; hiện tượng giông lốc bất thường xảy ra ở Quảng Ninh, Hà Nội vài ngày trước; đối với cơn bão số 3 (Wipha) năm nay, mặc dù đã các cấp, các ngành, địa phương đã rất chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, dự báo, cảnh báo, tuyên truyền để người dân chủ động, phòng ngừa, ứng phó với bão, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, bão đã đổ bộ và Nghệ An với lượng mưa lớn.
Thủ tướng đề nghị phân công, phân định nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo phòng, chống thiên tai phù hợp. Yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống thiên tai; phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo với tinh thần "6 rõ": "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền", để từ đó kiểm điểm, đánh giá đúng tình hình. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền địa phương hai cấp thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo để lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Chính phủ có định hướng, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, chính xác hơn. Các cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực vào cuộc, dành thời lượng cần thiết tuyên truyền sâu rộng về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống, an toàn tính mạng của nhân dân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả bão lũ.