Thủ tướng Trudeau từ chức có phải là sự kết thúc đối với phong trào tiến bộ hiện đại?
Ngày 6/1/2025, tại tư dinh Rideau Cottage ở Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã xuất hiện trước báo giới để đưa ra một thông báo từ chức.
Đây chính là nơi từng là tâm điểm của các cuộc họp báo trong đại dịch COVID-19, nơi ông thường xuyên cập nhật tình hình và các biện pháp của chính phủ, một thời kỳ mà ông từng nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Canada.
Tuy nhiên, không khí ngày 6/1 hoàn toàn khác. Thủ tướng Trudeau, 53 tuổi, biểu tượng một thời của phong trào tiến bộ hiện đại, đã tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền, nhưng vẫn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho tới khi một nhà lãnh đạo mới được lựa chọn. Tuyên bố được đưa ra sau khi ông mất đi sự ủng hộ từ cả cử tri và các lãnh đạo cấp cao trong Đảng Tự do.
Đảng này hiện đang đối mặt với nguy cơ thất bại nặng nề trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trước tháng 10 tới.
"Đất nước này xứng đáng có một lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử sắp tới", ông Trudeau phát biểu với giọng điệu nghiêm trọng hiếm thấy."Tôi không thể là lựa chọn tốt nhất cho cuộc bầu cử đó".
Khi nhậm chức vào cuối năm 2015, Thủ tướng Trudeau được ca ngợi là nhà lãnh đạo đổi mới với hình ảnh một nhà môi trường, nhà nữ quyền và người bảo vệ quyền của người tị nạn cũng như người bản địa.
Nhưng thời kỳ trăng mật với người dân Canada của ông chỉ kéo dài khoảng hai năm. Đến năm 2017, hình ảnh của ông Trudeau đã bị tổn hại bởi hàng loạt vụ bê bối, và những khó khăn này càng trở nên nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19.
Trong các cuộc bầu cử năm 2019 và 2021, Đảng Tự do của ông Trudeau mất ghế trong Quốc hội, buộc ông phải thành lập chính phủ thiểu số dựa vào sự ủng hộ của Đảng Dân chủ mới (NDP), một chiến lược mà các nhà lãnh đạo tiến bộ khác trên thế giới cũng áp dụng để duy trì quyền lực. Tuy nhiên, liên minh này đã tan rã khi lãnh đạo NDP, Jagmeet Singh tuyên bố sẽ bỏ phiếu lật đổ chính phủ của Thủ tướng Trudeau.
"Tôi là một người chiến đấu, nhưng tôi hiểu rằng mình không thể chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới", ông Trudeau thừa nhận, ám chỉ cả những chia rẽ trong nội bộ đảng.
Khi Thủ tướng Trudeau bước lên sân khấu chính trị thế giới vào năm 2015, ông được xem như sự tiếp nối của những tháng cuối cùng dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thời kỳ đó, chủ nghĩa tự do xã hội đang ở đỉnh cao. Ông Trudeau từng gây chú ý với những động thái như mở cửa đón người tị nạn Syria và tuyên bố "sự đa dạng là sức mạnh của chúng ta". Tuy nhiên, những chính sách này giờ đây trở thành tâm điểm chỉ trích trong bối cảnh Canada đối mặt với khủng hoảng nhà ở, chi phí sinh hoạt leo thang và nợ công ngày càng lớn.
Đến năm 2024, dân số Canada đã vượt 41 triệu người, với 98% tăng trưởng đến từ người nhập cư. Áp lực này buộc chính phủ của ông phải điều chỉnh mục tiêu nhập cư, giảm số người nhập cư thường trú vào năm 2025 xuống còn 395.000, thay vì 500.000 như kế hoạch ban đầu.
Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 năm 2022 đã đẩy sự bất mãn của công chúng lên đỉnh điểm, dẫn đến các cuộc biểu tình quy mô lớn. Ông Trudeau đã sử dụng Đạo luật Khẩn cấp để dẹp bỏ biểu tình, nhưng hành động này bị chỉ trích là vi phạm quyền cá nhân. Hai năm sau, một thẩm phán liên bang tuyên bố ông vượt quyền.
Những sự kiện này đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của ông, góp phần vào sự trỗi dậy của Đảng Bảo thủ, hiện dẫn trước Đảng Tự do hơn 20 điểm phần trăm trong các cuộc thăm dò.
Sự suy giảm uy tín của ông Trudeau phản ánh tình trạng chung mà các nhà lãnh đạo tiến bộ trên toàn cầu đang đối mặt.
Chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang tái định hình chính trị ở nhiều nơi, từ Mỹ, nơi bà Kamala Harris thất bại trước ông Donald Trump, đến châu Âu, nơi các chính phủ từ Pháp, Ý đến Đức ngày càng ngả sang hữu.
Tại Canada, sự suy yếu của phong trào tiến bộ dưới thời Thủ tướng Trudeau đặt ra câu hỏi về tương lai của những lý tưởng mà ông từng đại diện.
Khi các nhà lãnh đạo phải vật lộn để đối phó với sự bất mãn của cử tri, những câu chuyện đơn giản nhưng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy, tập trung vào bản sắc dân tộc và lợi ích kinh tế, đang ngày càng chiếm ưu thế.