Thủ tướng: Xóa nhà tạm nhà dột nát, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua
Thủ tướng khẳng định, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, nên khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua.
Triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm
Chiều 12/1, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước tiến hành Phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 2 ở cả 4 cấp.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ phiên họp thứ nhất đến nay, sau 2 tháng, chúng ta đã hoàn thành, bàn giao hơn 44 nghìn căn nhà và đang xây dựng 34,2 nghìn căn. Từ nay đến cuối năm còn khoảng 240 nghìn căn phải hoàn thành, trong khi thời gian triển khai rất gấp (còn lại trên dưới 350 ngày).
Vì vậy, Thủ tướng lưu ý, phải tập trung triển khai đợt cao điểm 350 ngày đêm thực hiện thành công Chương trình trong năm 2025, bảo đảm kịp tiến độ và chất lượng; thực hiện chương trình "đếm ngược hàng tuần" để công bố số liệu thực hiện hàng tuần.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, đến nay đã có 58 tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, 5 tỉnh không thành lập ban chỉ đạo do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, nhưng các địa phương này vẫn tổ chức rà soát tổng thể.
Đến hết ngày 11/1, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 88.488 căn (trong đó 48.989 căn nhà đã khánh thành và khởi công mới 35.899 căn nhà). Tết Nguyên đán 2025, dự kiến có nhiều hộ được đón tết trong ngôi nhà mới và có nhiều gia đình sẽ tiếp tục được nhận ngôi nhà khang trang.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, một số địa phương rất khó khăn như Hà Giang, qua kiểm tra đã khởi công mới và khánh thành trên 2.000 căn cho người nghèo trước Tết, chiếm 71% căn nhà cần hỗ trợ. Bộ Quốc phòng đi đầu trong huy động nguồn lực hỗ trợ kinh phí xây dựng 9.200 căn nhà, với số tiền 460 tỷ đồng cho 5 địa phương (Quảng Trị, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lào Cai và Nghệ An).
Tại phiên họp, quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, tại địa phương, tổng số hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát là 10.688 hộ và sau 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh đã triển khai được 2.175 nhà. Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cam kết trong năm 2025 sẽ hoàn thành trên 10.000 nhà.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh chia sẻ, tổng số nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh là 13.769 hộ; số nhà đã khởi công, khánh thành 4.082 nhà, số còn lại là 9.687 nhà. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, dù công tác triển khai khó khăn đến mấy cũng quyết tâm hoàn thành trong năm 2025.
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát là xây dựng thế trận lòng dân và tạo điều kiện xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Cùng với cả nước khắc phục cơn bão số 3, Bộ Quốc phòng giúp 9 tỉnh của Quân khu 2 và 6 tỉnh của Quân khu 1 (tổng 15 tỉnh) trên 100 tỷ đồng để xây dựng cụm bản. Ông khẳng định, các công việc tiếp theo, Bộ Quốc phòng cùng với các lực lượng khác sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhất.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ngay từ ngày đầu phát động, ngành ngân hàng đã hưởng ứng 220 tỷ đồng, đợt 2 ngành ngân hàng cũng đã hưởng ứng giá trị 1.000 tỷ đồng và đang tiếp tục vận động các ngân hàng khác tham gia. Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn đối với các khoản chi tài trợ được trừ đi phần thu nhập chịu thuế, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tham gia chương trình để cuối năm nay sẽ thực hiện được đúng mục tiêu đề ra.
Làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã nghiêm túc, chủ động thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo tinh thần "Quân đội ta từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân chiến đấu"; "Công an ta, vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phê bình một số bộ, địa phương chưa ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí xác định nhà tạm, nhà dột nát, chưa ban hành hướng dẫn phương án sử dụng kinh phí tiết kiệm 5% chi ngân sách thường xuyên cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; một số địa phương chưa quyết liệt, trách nhiệm chưa cao, chưa ban hành kế hoạch hành động…
Thủ tướng nhấn mạnh các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc ở cơ quan, địa phương với tinh thần: ai có gì giúp nấy, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, ai có của giúp của, ai có tiền giúp tiền, ai có công giúp công; đề cao trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát để các địa phương có cơ sở thực hiện.
Thủ tướng lưu ý, Bộ LĐ,TB&XH theo dõi sát, thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Bộ Tài chính thực hiện miễn thuế thu nhập với việc tham gia các chương trình an sinh xã hội. Chuẩn bị nguồn lực năm 2025 để báo cáo với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong tháng 1/2025) và báo cáo Quốc hội các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Với các tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình, kỷ luật và ban hành ngay trước ngày 15/1…
Thủ tướng khẳng định, nhiệm vụ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang, nên nặng nề mấy cũng phải làm, khó khăn, thách thức mấy cũng phải vượt qua, phức tạp mấy cũng phải xử lý. Thủ tướng lưu ý, phải làm việc với tất cả tấm lòng, trái tim, khối óc của mình với những người khó khăn.