Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ cơ quan gây khó khăn, chậm trễ giải ngân vốn vay nước ngoài

Sáng 29-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian còn lại của năm 2020 chỉ có 2 tháng. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt hơn 60%, là mức cao nhất từ trước đến nay. Giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài có chuyển biến, nhưng tỷ lệ còn thấp. Thủ tướng đề nghị thảo luận, làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng giải ngân vốn thấp như vậy. “Vấn đề thấy rõ nhất là giải phóng mặt bằng. Tại sao nhiều dự án kéo dài nhiều năm chưa giải phóng mặt bằng được, có phải do chúng ta chưa quan tâm, chưa có cách làm đúng mức không? Vấn đề mặt bằng này chủ yếu là ở cấp quận, huyện, tỉnh. Các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có cách làm tốt trong tìm mặt bằng tốt cho dự án ODA chưa?”-Thủ tướng nêu câu hỏi.

 Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Thủ tướng cũng đề cập tới vấn đề vốn đối ứng; các nguyên nhân về phía chủ đầu tư, ban quản lý dự án kém năng lực, lúng túng, không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công; việc chuẩn bị dự án còn sơ sài, đơn giản. Thủ tướng nêu tình trạng, nhiều địa phương đi xin dự án ODA nhưng không bố trí vốn đối ứng cho dự án và giải pháp nào cho vấn đề này. “Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ, “cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà cho thủ tục ODA thì phải nói rõ”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh, bên cạnh thảo luận tình hình, nguyên nhân thì cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của từng cấp, “không đá quả bóng” từ tỉnh lên Trung ương. “Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”, Thủ tướng lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài đến ngày 31-10-2020 đạt 18.089 tỷ đồng, bằng 30,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó số vốn giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương là 5.824 tỷ đồng đạt tỷ lệ 27,07% so với dự toán được giao; số vốn giải ngân của các địa phương là 12.256 tỷ đồng đạt tỷ lệ 31,87% so với dự toán được giao.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính ước đến ngày 31-10-2020, phần lớn các bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân thấp, riêng Bộ Giao thông vận tải có mức giải ngân cao nhất. Các địa phương có mức giải ngân khá gồm Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%), Bắc Kạn (60,66%), Lai Châu (60,61%), Khánh Hòa (53,89%), Kiên Giang (52,82%), Hải Phòng (52,71%), Sóc Trăng (52,37%), Điện Biên (51,55%).

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nhờ đó tình hình thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực. Mức giải ngân vốn nước ngoài đã tăng từ 21,26% trong 8 tháng lên 30,15% trong 10 tháng, cao hơn cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương hoàn trả kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2020. Việc này đã gây sức ép lên ngân sách Nhà nước trong các năm tiếp theo, giảm uy tín của Việt Nam với các nhà tài trợ.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Đề cập tới các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn, tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, triển khai ngay việc ký kết các hợp đồng đối với các gói thầu đã có ý kiến “không phản đối” của nhà tài trợ. Đặc biệt, Chính phủ ban hành các chính sách đặc thù cho phép các chuyên gia, tư vấn nhập cảnh với các điều kiện như áp dụng với các chuyên gia nhập cảnh ngắn hạn, có cơ chế tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với việc triển khai các chương trình, dự án…

Tin, ảnh: VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/thu-tuong-yeu-cau-chi-ro-co-quan-gay-kho-khan-cham-tre-giai-ngan-von-vay-nuoc-ngoai-642345