Thủ tướng yêu cầu nâng ngay cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ lên 4 làn xe
Chiều 25/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, đồng thời làm việc với tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ cùng các bộ, ngành, liên quan về dự án này.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến cao tốc đối với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, tạo ra trục liên kết vùng hết sức quan trọng. Nếu hoàn thành dự án, nối được với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì sẽ có đường cao tốc từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Hà Giang, rút ngắn thời gian di chuyển còn một nửa so với hiện nay.
Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các địa phương có tuyến đường đi qua, các bộ, ngành liên quan phải nỗ lực hơn nữa, có thể phân kỳ dự án, nhưng làm việc nào dứt việc đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Thủ tướng đề nghị thống nhất phân dự án ra làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là những cái đã duyệt. Đối với 44 cầu chui dân sinh phải tính toán lại, những cầu chui dân sinh chưa làm có thể điều chỉnh.
Nâng ngay cao tốc lên 4 làn xe, không đợi tới sau năm 2025
Theo dự kiến trước đây, dự án được triển khai theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đang triển khai với quy mô 2 làn đường, hoàn thành vào quý III/2023. Còn giai đoạn 2 triển khai sau năm 2025, nâng lên 4 làn xe.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ đầu tư 2 làn xe thì hiệu quả không cao, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Do vậy, các cơ quan liên quan và tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Phú Thọ phối hợp, thực hiện các quy trình, thủ tục nhanh nhất có thể để trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng đầu tư ngay để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/h, không đợi tới sau năm 2025.
Tỉnh Tuyên Quang cam kết phối hợp chặt chẽ với tỉnh Phú Thọ, các bộ, ngành lập đề xuất chủ trương đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai giải phóng mặt bằng và thi công hoàn thành dự án giai đoạn 2 trong năm 2025.
Các địa phương đề nghị bố trí thêm từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương cho cả 2 giai đoạn của dự án. Trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các bộ ngành, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc bổ sung một phần vốn Trung ương cho giai đoạn 2. Hai tỉnh cân đối phần còn lại từ ngân sách địa phương. Thủ tướng cũng đồng ý ngân sách Trung ương hỗ trợ thêm cho giai đoạn 1.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 phải xong trong tháng 3/2023, hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 12/2023.
Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu xây dựng tuyến đường kết nối giữa cao tốc Nội Bài-Lào Cai và cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang, các nút giao một cách đồng bộ, tránh hình thành các nút thắt cổ chai.
Trong đó, đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang xây dựng và cao tốc Nội Bài - Lào Cai đều có 4 làn, nhưng đường kết nối giữa hai tuyến này (trùng với đường Hồ Chí Minh – dài khoảng 2 km) hiện chỉ có 2 làn, phải nghiên cứu đầu tư mở rộng.
Đồng thời, trạm thu phí tại nút giao giữa tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào thị xã Phú Thọ cũng đang là một nút thắt cổ chai cần giải quyết, Bộ Giao thông Vận tải sớm có ý kiến để tỉnh Phú Thọ triển khai.
Về vấn đề nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo 2 Nghị quyết, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cấp trực tiếp mỏ cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu, không thông qua khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, cần hết sức quan tâm công tác tái định cư, tinh thần là cuộc sống của người dân ít nhất phải bằng nơi ở cũ và phấn đấu nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, các bên phối hợp chặt chẽ, giải quyết vấn đề phát sinh, trong đó có việc kiểm tra, bảo đảm nguyên vật liệu cho dự án.
Từ thực tế dự án, Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần rút kinh nghiệm, tránh tình trạng "chia nhỏ" các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Thủ tướng cũng đề nghị nghiên cứu, tính toán để xây dựng các đoạn của tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang trên tinh thần làm đoạn nào dứt điểm đoạn đó, đồng bộ, thông tuyến lên tới Hà Giang chậm nhất năm 2030.
Đã giải phóng mặt gần 100% mặt bằng dự án
Theo báo cáo của các địa phương trong buổi làm việc với Thủ tướng, về công tác giải phóng mặt bằng, tỉnh Phú Thọ đã bàn giao được 11,3/11,3 km, đạt 100%; xây dựng 3/3 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, viễn thông), đạt 100% khối lượng.
Tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao mặt bằng được 28,6/28,93 km, đạt 99%; xây dựng hoàn thành 24/24 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông...) đạt 90% khối lượng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2/2023.
Dự án chia thành 4 gói thầu xây lắp phần đường, 1 gói thầu xây lắp cầu trên tuyến và 3 gói thầu các hạng mục khác (điện chiếu sáng, nút giao IC9 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và hệ thống an toàn giao thông), trong đó 1 gói thầu (hệ thống an toàn giao thông) đang tổ chức đấu thầu.
Các gói thầu xây lắp đã triển khai thi công từ đầu tháng 8/2021 theo hướng vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt 1.070/1.829,57 tỷ đồng, đạt 58,48% giá trị hợp đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài hơn 40 km, trong đó đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài hơn 11 km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài hơn 28 km. Dự án do UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ quản đầu tư giai đoạn 1.
Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo địa phương về dự án này.