Thủ tướng yêu cầu rà soát, đánh giá lại việc thiếu giáo viên
Trước tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt.
Hôm nay 28/8, dưới sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị toàn quốc Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG
Những vấn đề thu hút sự quan tâm là học phí và tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học lên tới gần 95.000 người, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tiêm vắc xin cho học sinh...
Đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt
Tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, biên chế giáo viên theo quy định còn thiếu và đặt ra nhiều vấn đề khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết: Nghệ An thiếu khoảng 7.843 giáo viên, chủ yếu là ở cấp mầm non và tiểu học. "Đây là vấn đề không chỉ của mỗi Nghệ An mà nhiều tỉnh khác”.
Trong khi đó, theo ông Vũ Đại Thắng, Bí thư tỉnh Quảng Bình, tỉnh này hiện thiếu 1.000 giáo viên, 500 giáo viên chưa đạt chuẩn. Còn tại Kon Tum, Phó Chủ tịch tỉnh này cho biết địa phương đang thiếu 1.696 giáo viên.
Đa số các tỉnh thiếu giáo viên ở cấp mầm non và tiểu học.
Trước phản ánh của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần khảo sát lại. Đồng thời, phải cơ cấu lại, nâng cao đội ngũ công chức, viên chức cho phù hợp.
Thủ tướng lấy ví dụ về việc ở một số điểm trường, số giáo viên nhiều hơn học sinh, cách điểm trường chính 6 – 7 cây số thì có thể đưa các cháu về điểm trường chính để tiếp cận một cách bình đẳng, học nâng cao chất lượng.
"Nếu để 1 điểm trường nhận tiền lương 1,2 tỷ/năm, các đồng chí có thể lấy 200 triệu thôi, đưa xe sáng đón các cháu từ nhà đến điểm trường chính, chiều dùng xe đó đưa các cháu trở về,… Như vậy đã tiết kiệm được 1 tỷ đồng, mà các cháu được học tốt hơn, không mất nhiều giáo viên hơn. Đó là một phương án giải quyết".
Hoặc một trường tiểu học ở Yên Bái có một cô làm kế toán, một cô làm thủ quỹ, tổng trả lương hết 14 triệu, nhưng chi tiêu cả tháng của trường đấy chỉ hết 10 triệu.
Thủ tướng cho hay, Bộ Nội vụ giao chỉ tiêu dựa trên đề xuất của các địa phương. Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá việc thiếu giáo viên càng sớm càng tốt.
Nguyên tắc ở đâu có học sinh ở đó phải có giáo viên, phải có trường lớp. Cần nghiên cứu kỹ để cơ cấu lại hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên làm sao cho tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với từng địa phương, từng địa bàn, từng đối tượng.
"Các tỉnh phải nghiên cứu thêm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lúc đó làm việc dễ lắm. Chứ cứ thống kê lại, rồi kêu ca, đề xuất, sẽ khó lắm" - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng gợi ý: Giáo viên mầm non thiếu, giáo viên cấp 2 thừa thì cơ cấu lại, bổ sung thêm kiến thức cho thầy cô, chuyển từ chỗ này sang chỗ kia nhưng có thể vẫn giữ nguyên lương.
Theo Thủ tướng, tỉnh nào cũng có trường sư phạm, có thể bổ sung thêm kiến thức cho giáo viên ở những nơi thừa. Ví dụ, tiểu học hay trung học còn dư thì bồi dưỡng kiến thức về giáo viên mầm non để số giáo viên này luân chuyển. Các địa phương nên nghiên cứu thêm hướng này. Tất nhiên là cần có chương trình bồi dưỡng từ 3 - 6 tháng.