Thủ tướng yêu cầu tạm dừng thanh tra dự án của Vinamit tại Bình DươngThủ tướng yêu cầu tạm dừng thanh tra dự án của Vinamit tại Bình Dương
Theo thông báo mới nhất của Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của bộ này về việc yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương tạm dừng thanh tra dự án nông trại của công ty Vinamit ở huyện Phú Giáo.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ra văn bản số 3621/TB-BNV thông báo kết quả kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với phản ánh các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai của Công ty cổ phần Vinamit tại Nông trại Phú Giáo, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, qua kiểm tra, làm việc, xác minh với các tổ chức cá nhân liên quan, đồng thời xin ý kiến chuyên môn của Thanh tra Chính phủ về nội dung thanh tra của UBND tỉnh Bình Dương, Bộ Nội vụ nhận thấy UBND tỉnh Bình Dương và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thanh kiểm tra đối với Nông trại Phú Giáo của Vinamit.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã có báo cáo số 3126/BC-BNV ngày 24-6, trong đó đề xuất Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tạm dừng tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra tỉnh Bình Dương theo quyết định 1149/QĐ-UBND ngày 29-4 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Ngày 17-7, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 5949/VPCP-V.1 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung: "Đồng ý kiến nghị của Bộ Nội vụ tại Báo cáo số 3126/BC-BNV ngày 24/6/2020. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thực hiện kiến nghị của Bộ Nội vụ, có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, đảm bảo công tác thanh kiểm tra đúng pháp luật. Bộ Nội vụ cũng đã có văn bản thong báo kết quả cho công ty các bên liên quan".
Qua văn bản thông báo này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vụ việc này, cách đây chưa lâu TBKTSG Online đã đăng tải bài viết “Ông chủ Vinamit: mười năm, hai cuộc chiến” có nêu rõ các chi tiết cuộc thanh tra dự án của UBND tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, mọi chuyện bắt đầu từ kiến nghị của một cử tri trước kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX, đơn vị huyện Phú Giáo. Cử tri này bất ngờ đề nghị tỉnh “xem xét thu hồi đất của Công ty Vinamit để quy hoạch khu dân cư tập trung dọc hai tuyến đường ĐH.504 và 508, nhằm tạo tiềm lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng đáp ứng lời kêu gọi của cử tri này, và tổ chức đoàn kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất của Công ty Vinamit tại xã Phước Sang, huyện Phú Giáo.
Theo kết luận kiểm tra số 102/KL-STNMT ngày 8-1-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, hơn 152 ha đất của Vinamit được chính UBND tỉnh Bình Dương cấp với hình thức cho thuê, thu tiền một lần và hiện trạng sử dụng làm đất trồng cây ăn trái như mít, chuối, rau… so với quy hoạch sử dụng đất huyện Phú Giáo mà UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt thì phù hợp quy hoạch đất nông nghiệp.
Tuy nhiên Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương lại kết luận ngoài chức năng nhiệm vụ: "hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chưa có đóng góp vào ngân sách để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”. Từ cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương giao Thanh tra tỉnh chủ trì phối hợp sở ngành kiểm tra toàn diện đối với dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit để có cơ sở đánh giá hiệu quả dự án và đóng góp vào ngân sách địa phương, từ đó có kiến nghị về định hướng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông nghiệp một cách hiệu quả.
Ngày 17-12-2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng ký văn bản số 6490/UBND-KT giao Thanh tra tỉnh phối hợp Sở ngành thanh kiểm tra “tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật” tại dự án sản xuất nông nghiệp của Vinamit.
Tháng 4-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm ký quyết định số 1149/QĐ-UBND thành lập đoàn thanh tra kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật với dự án trên diện tích hơn 150 ha của Vinamit.
Thanh tra tỉnh Bình Dương đã yêu cầu Vinamit báo cáo nhiều vấn đề như tình hình đầu tư, hiệu quả và đặc biệt là hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất hơn 150 ha.
Về tình hình đầu tư và hiệu quả, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamit đã đưa ra chứng từ cho thấy, năm 2019, Vinamit đóng thuế giá trị gia tăng cho ngân sách Bình Dương hơn 34 tỉ đồng, năm 2018 gần 30 tỉ đồng, năm 2017 hơn 28 tỉ đồng. Ngoài ra còn chưa kể đến các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nộp cho ngân sách Bình Dương và các đóng góp xã hội khác ở cấp xã và huyện nơi có nông trại, tương đương hàng tỉ đồng mỗi năm.
Về hồ sơ nguồn gốc pháp lý khu đất hơn 150 ha, ông Viên cũng trình ra đầy đủ văn bản cho thấy, khu vực này nguyên là nông trại Phước Sang của Trường Đại học Cần Thơ. Trường này đã bỏ tiền đền bù đất công theo mức giá tại Quyết định số 24/1999/QĐ-UB ngày 6-3-1999 của UBND tỉnh Bình Dương.
Vinamit sang nhượng lại quyền sử dụng đất trên rồi được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho chuyển đổi sang hình thức giao đất có đóng tiền sử dụng đất một lần tại quyết định 4519/UBND-SX ngày 9-10-2007 do Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thị Kim Vân ký.
Tháng 12-2007, Vinamit đã đóng hơn 32 tỉ đồng tiền sử dụng đất một lần và được Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cập nhật thay đổi vào sổ đỏ năm 2008. Từ đó đến nay, Vinamit trồng trọt làm vùng nguyên liệu theo đúng mục đích sử dụng đất đã được cấp phép.
Vì thế, trước kết luận bất hợp lý của Sở Tài nguyên và Môi trường là căn cớ dẫn tới cuộc thanh tra của tỉnh Bình Dương, trong bối cảnh còn chưa "hoàn hồn" vì đại dịch Covid-19, Vinamit đã có đơn kêu cứu tới Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mong muốn truyền tải vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ.
Việt Dũng