Thủ tướng yêu cầu tạo thuận lợi thực hiện thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa
Thủ tướng yêu cầu tập trung kết nối, đồng bộ dữ liệu thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tiếp cận, thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 tiếp tục nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã nỗ lực gắn kết với chuyển đổi số quốc gia theo hướng số hóa, tái sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp, ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương nhất là ở cơ sở vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ không đúng quy định, chưa kịp thời tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp,...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cắt giảm, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung đẩy mạnh rà soát, mạnh dạn sửa đổi, bổ sung hoặc dứt khoát đề xuất các cấp có thẩm quyền bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ, nhất là của người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành.
Tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi công vụ các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian và nhanh chóng, kịp thời chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Theo dõi sát, kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây tốn kém chi phí, thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định; yêu cầu các bộ, ngành trước ngày 15/12/2023 phải hoàn thành công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình để địa phương tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn quốc. 100% hồ sơ thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và phải liên thông, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện.
Năm 2023, tập trung hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền quy định miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử giai đoạn từ nay đến năm 2025 để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thủ tướng giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, hoàn thành trước ngày 15/12/2023 việc kết nối, tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ giữa các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử do các bộ, ngành xây dựng, triển khai thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương với Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, tránh tiếp diễn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện cập nhật trên nhiều hệ thống, gây lãng phí thời gian, chi phí, nguồn lực, giảm năng suất lao động.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương có liên quan ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện, hoàn thành trong tháng 12/2023; hoàn thành việc tích hợp giải pháp ký số từ xa với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trước ngày 15/12/2023; đánh giá hiệu quả, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong triển khai dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước và tích hợp, đồng bộ thông tin kết quả đánh giá với Hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp của Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trước ngày 01/12/2023.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật, hoàn thiện kịp thời, phù hợp các giải pháp kỹ thuật, hạ tầng và hướng dẫn thực hiện kết nối, tích hợp Hệ thống định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an quản lý (VnelD), Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để đưa vào sử dụng tài khoản định danh điện tử VNelD trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử trước ngày 1/7/2024, đồng thời phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bảo đảm cắt giảm các giấy tờ như: giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, quan hệ nhân thân, giấy tờ chứng minh cư trú,...
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, quy định ưu tiên cho nội dung chi, mức chi cho số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoàn thành trước ngày 1/4/2024.
Tập trung kết nối, tích hợp, đồng bộ dữ liệu của 100% thủ tục hành chính đang thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cổng dịch vụ công quốc gia tạo thuận lợi cho tiếp cận, thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa; kiểm soát chặt chẽ thu thuế, chống thất thu thuế, hoàn thuế trên môi trường số, hoàn thành trước ngày 15/12/2023.