Thủ tướng yêu cầu thay thế Nghị định 64 về cứu trợ

Nghị định 64/2008 bộc lộ nhiều điều cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các quy định liên quan khác.

Ngày 23-10, tin từ Văn phòng Chính phủ cho hay Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64/2008 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Lấy ý kiến rộng rãi để làm căn cứ sửa đổi

Văn bản cho biết tại phiên họp thường kỳ tháng 8-2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị của Bộ Tài chính xây dựng nghị định này.

Điều này là để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Văn bản truyền đạt lần này nêu rõ: Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng nghị định để thay thế Nghị định 64/2008, trình Chính phủ theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đối tượng, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ.

Nghệ sĩ Trường Giang cùng nhà báo Lê Phi, Trưởng đại điện báo Pháp Luật TP.HCM tại Đà Nẵng trao quà hỗ trợ cho người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: HẢI HIẾU

Nghệ sĩ Trường Giang cùng nhà báo Lê Phi, Trưởng đại điện báo Pháp Luật TP.HCM tại Đà Nẵng trao quà hỗ trợ cho người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Ảnh: HẢI HIẾU

Nhiều quy định chưa phù hợp

Trước đó, Bộ Tài chính cho biết sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị định 64/2008 đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi. Thực tế thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với nhiều mức độ khác nhau nhưng nghị định chưa quy định rõ mức độ cụ thể để xác định trường hợp nào do Ủy ban Trung ương MTTQ ra lời kêu gọi, trường hợp nào do Ủy ban MTTQ kêu gọi.

Bên cạnh đó, thời gian để ban cứu trợ các cấp tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ sau mỗi đợt thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng là 30 ngày là ngắn, không đủ thời gian cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài đóng góp.

Với một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hàng cứu trợ lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức, thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hàng cứu trợ.

Với mỗi đợt thiên tai, có nhiều nguồn lực được huy động, sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cũng như lâu dài cho người dân vùng bị thiệt hại nhưng Quỹ phòng, chống thiên tai chỉ quy định nội dung chi, không quy định mức chi... Việc này dẫn đến người bị thiệt hại các đợt thiên tai khác nhau có mức hỗ trợ chênh lệch lớn. Ngoài ra, một số hộ gia đình còn được hỗ trợ trực tiếp từ các tổ chức, cá nhân nên có sự chênh lệch.

Hiện nay, các nội dung chi từ nguồn vận động, đóng góp tự nguyện chủ yếu tập trung vào việc cứu đói, cứu rét (lương thực, thực phẩm, chăn màn, quần áo, thuốc chữa bệnh…) và những nội dung chi này có phần trùng với nội dung chi hỗ trợ từ ngân sách trung ương, chưa thực sự đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân khu vực bị thiệt hại.

Nghị định 64/2008 cũng chưa quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ theo quy định. Khi tổ chức thực hiện Nghị định 64/2008, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị như Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, các sở LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tài chính…

Chưa hết, Chính phủ cũng có Nghị định 02/2017 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, Nghị định 58/2018, Luật Phòng, chống thiên tai... nên cần rà soát lại nội dung chi của Nghị định 64/2008 để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

CHÂN LUẬN - ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thu-tuong-yeu-cau-thay-the-nghi-dinh-64-ve-cuu-tro-945858.html