Thủ tướng yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy

Ngày 12/9, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.Dự hội nghị, tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ có các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Nguyễn Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Phạm Trường Giang - Giám đốc Công an tỉnh.Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên cả nước diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.

Trong 5 năm (từ năm 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người. Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.Về triển khai nhiệm vụ CNCH, 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy.

Tại Phú Thọ, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ là hành lang pháp lý quan trọng quy định về bố trí lực lượng và hoạt động CNCH của lực lượng PCCC.

Đại tá Phạm Trường Giang - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu sau hội nghị.

Từ tháng 8/2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 162 sự cố, tai nạn, thiệt hại; trong đó sự cố, tai nạn cháy, nổ là 146 vụ, làm chết 18 người, bị thương 25 người và thiệt hại tài sản hơn 21 tỷ đồng. Toàn tỉnh thành lập 1.636 đội dân phòng/2.328 khu dân cư (đạt tỷ lệ 70,3%) với tổng số 15.430 người; lực lượng PCCC và CNCH cơ sở được củng cố, xây dựng mới 790 đội, 4.197 thành viên.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số Bộ, ngành, địa phương đã phát biểu ý kiến đóng góp về khắc phục những điểm chồng chéo liên quan đến công tác PCCC và CNCH tại các địa phương; hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn; đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu sửa đổi một số Thông tư, hướng dẫn có liên quan về công tác CNCH để phù hợp với mô hình mới,…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Cần nhận thức đúng về công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới; phải hoàn thiện thể chế, đầu tư đồng bộ trang thiết bị để có thể phòng ngừa cháy, nổ một cách hiệu quả; kiện toàn lực lượng tham gia PCCC và CNCH tại chỗ.Thủ tướng Chính phủ phê bình các Bộ, ngành, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, triển khai lãnh đạo, chỉ đạo không nghiêm túc đối với công tác PCCC và CNCH, không xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP. Điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách PCCC, CNCH của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng các kế hoạch chương trình hành động cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan. Thực hiện tổng kiểm tra, rà soát công tác PCCC, nhất là tại các khu chung cư cao tầng, chợ, các quán karaoke; xử phạt nghiêm minh, kịp thời răn đe đối với các trường hợp vi phạm, để nhằm giảm thiểu các tai nạn liên quan đến cháy, nổ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và CNCH. Khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ cao, công nghệ chữa cháy tự động vào hoạt động PCCC.

Ngay sau hội nghị, Đại tá Phạm Trường Giang - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và lực lượng công an nghiêm túc tiếp thu và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện, ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCCC và CNCH nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và CNCH thời gian tới.

Tú Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//trong-tinh/thu-tuong-yeu-cau-tong-kiem-tra-ra-soat-cong-tac-phong-chay-chua-chay/186900.htm