Thú uống trà của người Hà Nội

Để nói về sự sành trà, về lối uống trà của người Hà Nội thì không thể không nhắc đến một người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kinh kỳ, đó là cố nhà văn Nguyễn Tuân. Ông là bậc thầy về trà và cũng rất kỹ trong khâu chọn dụng cụ pha trà. Phải là ấm tách loại gốm cổ, nước pha trà không dùng nước máy vì có mùi clo làm hỏng hương trà mà nhất thiết phải là nước mưa ngọt lịm. Còn người thưởng trà cùng cũng phải là những người bạn tâm đầu ý hợp, phần nhiều là cánh văn nghệ sĩ.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Uống trà cũng là nét văn hóa tao nhã của người Hà thành. Thú thưởng trà, cách pha trà và các đạo cụ trà làm nên hương vị trà. Muốn tách trà thơm đậm đà thì lá trà phải được hái từ cây chè còn đọng những hạt sương sớm, qua bàn tay sao, tẩm, sấy của người phụ nữ vùng cao. Giống trà mà người sành ưa thích là trà Thái Nguyên trồng trên đất Đại Từ hay còn gọi là trà Tân Cương. Trà Tân Cương có vị trí riêng, khác hẳn các loại trà vùng Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Hòa Bình… Trà Tân Cương cánh dày, săn như hạt gạo, sau khi pha cho thứ nước vàng xanh, hương vị thơm ngon, quyến rũ.

Những năm tháng bao cấp, trà là mặt hàng do Nhà nước quản lý chứ không được phép mua bán trên thị trường. Do vậy người dân chỉ được uống trà gói 3 hào bán ở các cửa hàng bách hóa, loại trà cám pha ra nước đỏ lòm lẫn cả những cánh vụn như cám. Còn loại trà mang thương hiệu Hồng Đào, Ba Đình cao cấp hơn thì chỉ được phân phối trong dịp Tết, ngày lễ Quốc khánh 2-9 theo tiêu chuẩn hộ gia đình.

Cha tôi là người nghiện trà và cũng sành trà. Cụ có cái thú là cùng mấy ông bạn già ngồi thả vài câu thơ mới nghĩ được đêm qua cho nhau nghe. Không có những bộ ấm tách Trung Hoa như nhà văn Nguyễn Tuân nên cụ pha bằng chiếc ấm gốm Bát Tràng và bộ chén hạt mít. Cụ không bao giờ uống trà gói mậu dịch mà mua trà lạng, loại trà Đại Từ mang “chui” từ Thái Nguyên về. Cũng như Nguyễn Tuân, có một nguyên tắc khi pha trà là không bao giờ cụ dùng nước máy mà phải là nước mưa. Mỗi dịp về quê, cụ mang theo chiếc can nhôm mua trên phố Hàng Thiếc rồi sai mấy đứa cháu ra bể nước mưa có chiếc mo cau hứng nước từ mái ngói chảy xuống mang ra Hà Nội. Về đến nhà, cụ đổ ngay ra chiếc hũ sành đậy kín.

Đặc sản của hồ Tây ngoài ốc thì còn có trà sen độc nhất vô nhị

Đặc sản của hồ Tây ngoài ốc thì còn có trà sen độc nhất vô nhị

Nhưng cách uống trà của cha tôi vẫn chưa phải cầu kỳ. Sau giải phóng miền Nam năm 1975 tôi mới có dịp vào thăm người họ hàng. Ông bác họ thấy tôi từ Bắc vào chơi rất mừng nên mang ra bộ ấm tách cổ, động tác pha trà lại làm tôi nhớ đến cha. Đầu tiên ông để cả ấm và mấy chiếc chén hạt mít vào khay rồi tưới nước sôi lên bốc hơi nghi ngút. Trước lúc cho trà vào ấm, ông hỏi tôi thích uống hương vị gì. Tôi lịch sự bảo ông cho gì tôi uống nấy. “Uống trà sen nhé!” - nói rồi ông dùng chiếc thìa con bằng gỗ xúc trà từ trong lọ sành cho vào ấm, đổ nước sôi tráng chè, sau đó đổ nước lần hai, đợi cho ngấm mới rót ra chén.

Đưa chén trà lên miệng, mùi hương sen thơm phức lan tỏa dìu dịu. Sau đó, ông lại mời tôi chén khác vẫn rót từ ấm, bảo là trà nhài, xem có khác vị sen hay không. Thấy tôi nức nở trước hương trà nhài, ông cười lấy một chén khác mời tôi, lần này là vị thơm của hoa sói. Tôi rất ngạc nhiên vì lần đầu được uống trà có hương vị của 3 loài hoa mà vẫn là ấm trà ấy chứ ông bác chưa hề thay trà mới. Trà mà cũng y như một loại nước hoa, có hương đầu, hương cuối và hương giữa.

Đặc sản độc nhất vô nhị

Tôi mang câu chuyện kể lại cho một người cũng là dân sành trà đất Hà thành, anh này cười bảo: “Ông bác anh không những nghiện trà mà còn rất biết cách thưởng thức trà với hương vị từng loài hoa. Đây là thú vui cầu kỳ của các vị lão niên. Không phải bác anh ướp hoa vào trà đâu, mà những chén hạt mít anh uống đã được ông kỳ công ướp hoa vào trong. Do vậy, anh vẫn uống thứ nước trà trong ấm, nhưng hương vị của mỗi chiếc tách lại có mùi thơm của một loài hoa khác”. Tôi giật mình, lúc ấy mới nhận ra là nghề chơi cũng lắm công phu.

Thời nay cuộc sống xô bồ, tất bật là thế nhưng cái thú uống trà vẫn không hề mất đi, trái lại ngày càng đa dạng. Ngoài dòng trà nổi tiếng Việt Nam đã có thương hiệu là trà Tân Cương - Đại Từ thì trà Suối Giàng, trà Ô Long Bảo Lộc cũng bắt đầu xâm nhập thị trường. Nhưng người Hà Nội thì vẫn quen với hương vị trà Đại Từ. Nắm bắt được tâm lý của dân nghiền trà đất Hà thành, các nhà kinh doanh cũng nghiên cứu để ướp các loại trà cho có hương thơm như trà sen, trà nhài, trà hoa cúc…

Thời nay cuộc sống xô bồ, tất bật nhưng cái thú uống trà vẫn không hề mất đi, trái lại ngày càng đa dạng

Thời nay cuộc sống xô bồ, tất bật nhưng cái thú uống trà vẫn không hề mất đi, trái lại ngày càng đa dạng

Đặc sản của hồ Tây ngoài ốc thì còn có sen. Chính vì thế mà nhiều cơ sở tận dụng sen Tây Hồ để làm ra thứ trà sen độc nhất vô nhị. Việc tẩm ướp cũng cầu kỳ. Người làm phải tách những cánh sen mỏng tang rồi cho trà vào ướp cùng với nhị, để từ ấy hương sen thấm đẫm vào lá trà.

Cô chủ Duyên của thương hiệu trà sen hồ Tây D-House sinh ra trong một gia đình có truyền thống trồng chè, ngày nhỏ cứ đi học về là phải lên đồi hái chè. Những cây chè Suối Giàng cao to nên cô bé Duyên phải trèo lên ngắt từng lá cho vào gùi mang về rồi trải lên nong phơi, chờ đến tối mẹ cô sẽ cho lên chảo sao chè. Tuyên Quang quê Duyên phần nhiều gia đình nào cũng có vườn chè, do vậy uống trà Suối Giàng với Duyên trở thành quen.

Khi ra Hà Nội học đại học, Duyên vẫn nghiện thứ trà Suối Giàng, mỗi khi về thăm nhà lại mang theo lên vài cân trà mẹ làm. Trà Suối Giàng khác với trà Thái Nguyên, uống không cồn ruột. Biết người Hà Nội vốn chỉ quen với trà Thái Nguyên, Duyên đã nghiên cứu ra dòng trà sen ướp thủ công cầu kỳ để có khách, cầu kỳ khác gì người Trung Hoa đục rỗng quả chanh rồi thả lá trà vào. Thế nhưng trà sen, trà nhài thì hẳn là người Hoa, người Nhật cũng không có. Nó vốn là thương hiệu của người Việt đấy thôi.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-uong-tra-cua-nguoi-ha-noi-post555498.antd