Thu vàng, những gam màu tê tái !
Nếu nói nhạc Cung Tiến là trữ tình, lãng mạn, hay những từ hoa mỹ nào khác… thì tất cả đều là đúng. Nhưng riêng nhạc phẩm Thu vàng, lại cho chúng ta thêm những gam màu sắc mà chỉ có Cung Tiến dùng, đó là 'màu tê tái': '… Nhặt lá vàng rơi, xem màu lá còn tươi, nghe chừng như đây màu tê tái…'. Đó là một sự 'mất, còn' vô thường trong đời người.
Thu vàng
Năm 1972, tủ nhạc Kẽ Sĩ đã in tập nhạc Cung Tiến do Hiện Đại phát hành. Tập nhạc này chọn lọc 9 nhạc phẩm của ông, con số 9 mang ý nghĩa đặc biệt, dù ông đã sáng tác được 17 bài hát mà bài nào cũng mượt mà, sang trọng, đáp ứng được nhu cầu của người thưởng thức.
Nhưng Cung Tiến không nhận mình là nhạc sĩ. Ông cũng chẳng quan tâm đến tác quyền, tên tuổi, chỉ nhận mình là nhạc sĩ nghiệp dư! Có lẽ đây đúng là tính khiêm nhường “độc nhất vô nhị” trong làng nhạc sĩ ở Việt Nam?
Những nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc có thể đánh giá, xếp hạng các nhạc sĩ như: Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Chương… Nhưng ở Cung Tiến, khó mà đánh giá, xếp hạng cân đo đong đếm được!
Ca khúc Thu vàng và Hoài cảm được Cung Tiến sáng tác năm 1953, lúc đó ông chỉ mới 15 tuổi. Nhạc Cung Tiến có một số bài khó nghe đối với những người chỉ xem bài hát và cái tai “bình dân học vụ”, khó hát với những ca sĩ “múa hay hơn hát”. Nhưng nhạc của ông là những con suối mát dịu luồn qua lau lách chảy mãi không bến bờ. Những ca từ sang, không làm dáng, sáo rỗng, những nốt nhạc không chạy theo lối mòn… Cảm nhận những ca khúc của Cung Tiến là “đốt lò hương cũ”, nhắc nhớ, tìm về trong tình hình nhạc Việt “Que sera sera”.
Ngoài phổ thơ, Cung Tiến có 3 nhạc phẩm thuộc loại hàng hiếm do ông sáng tác: Hương xưa, Hoài cảm, Thu vàng. Đây là 3 nhạc nhẩm tự hào là nhạc Việt, cho dù ai đó khó tính, đứng bên này, hay bên kia bình phẩm.
Bài viết ngắn này, xin cảm nhận về Thu vàng. Nhịp 6/8 với những nốt đô, fa, sol dìese (thăng), Gamme La Trưởng:
“Chiều hôm qua lang thang trên đường/ Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương/ Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng/ Có mùa thu về tơ vàng vương vương”…
Trong cái dìu dặt của nhịp Valse:
“… Mùa thu vàng tới là mùa lá vàng rơi/ Và lá vàng rơi khi tình thu vừa tới/ Nhặt lá vàng rơi xem màu lá còn tươi/ Nghe chừng như đây màu tê tái…”.
Nhạc phẩm Thu vàng, Cung Tiến viết để “Tặng Hà Nội những ngày ấu thơ”. Ngày ấy và bây giờ, không khác gì nhau. Thu về là lá vàng rơi, trong những chiếc lá rơi ấy có những chiếc còn… tươi!
Đẹp quá, lãng mạn quá. Đây là một trong những bài hát viết về thu hay nhất trong những nhạc phẩm thu của Việt Nam.
Trần Hữu Ngư
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/thu-vang-nhung-gam-mau-te-tai-120669.html