Thư vào Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn

Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản (lần thứ ba) cuốn sách 'Thư vào Nam' của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Thông qua những bức thư, chúng ta thấy rõ chân dung một nhà lãnh đạo, nhà chiến lược luôn chủ động, sáng tạo, tìm ra chân lý, phương pháp cách mạng thích hợp nhất để đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng, mà đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ

Cuốn sách "Thư vào Nam" gồm hơn 40 bức thư và điện của đồng chí Lê Duẩn gửi các đồng chí lãnh đạo ở các chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ năm 1961 - 1975. Lá thư đầu tiên ghi ngày 7/2/1961, Gửi anh Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh) và các đồng chí Nam Bộ, bức điện cuối cùng được gửi đi ngay sau khi chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 30/4/1975. Ở cuối mỗi bức thư, đều để một chữ duy nhất “ BA” - đây là bí danh của Tổng Bí thư Lê Duẩn, riêng bức thư cuối cùng ngày 30/4/1975 để tên Lê Duẩn.

Qua những bức thư cho thấy, đồng chí Lê Duẩn cùng Bộ Chính trị đã dự kiến đúng khả năng Mỹ đưa quân vào miền Nam, chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Năm 1965, đồng chí Lê Duẩn gửi ba bức thư cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Trung ương Cục miền Nam (từ cuối năm 1957- 1964) và Trung ương Cục miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn chỉ đạo: “Phải động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực xốc tới, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của vài chục vạn quân Mỹ và nửa triệu quân ngụy; đồng thời sẵn sàng chiến đấu lâu dài đến khi giành thắng lợi cuối cùng... Phải chú trọng làm thật tốt công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục các tầng lớp nhân dân căm thù sâu sắc kẻ địch, làm cho cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng hiểu rõ đường lối của Đảng, quán triệt phương châm kháng chiến lâu dài, dựa vào sức mình là chính, vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng, không sợ Mỹ và không có ảo tưởng hòa bình” (bức thư gửi Trung ương Cục miền Nam tháng 11/1965).

Khi Mỹ thực hiện chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh”, đồng chí Lê Duẩn đã gửi hơn 20 bức thư cho đồng chí Phạm Hùng (Bí danh Bảy Cường) - Bí thư Trung ương Cục miền Nam (từ năm 1967 - 1975), đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Chu Huy Mân... và Trung ương Cục miền Nam. Trong thư, đồng chí Lê Duẩn nêu rõ: “Mục tiêu đấu tranh của cách mạng miền Nam nói chung, của phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn và các thành thị lớn nói riêng trong thời gian sắp tới phải nêu bật quyết tâm đánh Mỹ về nước, đánh đổ Thiệu xuống, phá bỏ về cơ bản toàn bộ chế độ cai trị bằng quân sự và cảnh sát của tập đoàn tay sai hiếu chiến phát xít ở Sài Gòn, nhằm đạp tan âm mưu kéo dài xâm lược và chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” của Ních - xơn, lập chính phủ vãn hồi hòa bình, hòa hợp dân tộc để chấm dứt chiến tranh xâm lược, giành hòa bình, độc lập, tự do dân chủ, cơm áo và quyền sống cho nhân dân” (bức thư gửi anh Bảy Cường, Trung ương Cục, đồng gửi Khu ủy Sài Gòn ngày 29/11/1971).

Chiến công vĩ đại

Với tư duy chiến lược, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn có quyết định sáng suốt, kịp thời và có lợi nhất cho cách mạng. Trong bức thư gửi anh Bảy Cường (đồng chí Phạm Hùng) ngày 10/10/1974, đồng chí Lê Duẩn đã đặt vấn đề: “Hiện nay, đã có thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam hay chưa? Lúc này, chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn... Vấn đề đặt ra cho ta phải suy nghĩ là đánh như thế nào và thắng như thế nào cho tốt. Như trên đã nói, để chậm mươi, mười lăm năm thì nguy hiểm đã đành, còn đánh mà đánh không tốt, đánh một cách trầy trật cũng đẻ ra phức tạp. Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ, không ai kịp trở tay”.

Trong Kết luận đợt hai Hội nghị Bộ Chính trị ngày 7/1/1975 về nhiệm vụ, kế hoạch tác chiến trên từng chiến trường, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”. Không chỉ sáng suốt nhìn xa trông rộng và nhạy bén chính trị trong lãnh đạo và chỉ đạo, mà ở những tình huống phức tạp, phải vừa thiết kế vừa thi công, đồng chí Lê Duẩn thể hiện bản lĩnh quyết đoán của người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất. Trước một ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, phát hiện ý đồ sâu xa của một số thế lực nước ngoài thỏa hiệp với nhau tìm cách thương lượng với ta dưới ngọn cờ hòa giải, hòa hợp nhằm ngăn chặn ta giành thắng lợi hoàn toàn, ngày 29/4/1975, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp điện cho các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà và Lê Trọng Tấn: “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị: Các anh ra lệnh cho quân ta tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng. Công bố đặt thành phố Sài Gòn - Gia Định dưới quyền của Ủy ban Quân quản do Tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch”.

Và ngay trưa 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng. Toàn thể các đồng chí hãy nêu cao tinh thần quyết thắng cùng đồng bào tiếp tục tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu của Tổ quốc”.

THANH THUẬN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202504/thu-vao-namcua-tong-bi-thu-le-duan-f5301b0/