Thu vé 'qua làng' nên hay không nên?

Trên đường đi tác nghiệp ở một địa phương, nếu vào ngày thời tiết bình thường, chúng tôi chỉ mất hơn 1 giờ để di chuyển đến trung tâm huyện. Thế nhưng, do hoàn lưu bão số 3, địa phương này gần như bị cô lập. Chúng tôi phải mất hơn 5 giờ đồng hồ để đến nơi. Quá trình di chuyển cũng có những chuyện khiến phóng viên băn khoăn về tình người trong mưa lũ.

Mưa lớn nhiều ngày đã khiến toàn bộ tuyến đường kết nối chính xuống địa phương này bị chia cắt. Ô tô không thể di chuyển do có nhiều điểm sạt lở, đất đá tràn hết ra lòng đường. Không có sóng viễn thông, chúng tôi phải hỏi thăm nhiều người, mới được người dân chỉ cho cách, đó là di chuyển vào các thôn bản, đi đến đâu, hỏi đến đó. "Các cháu đi phải hết sức cẩn thận, vì đường trong bản cũng vẫn đang sạt lở nhiều, phải băng qua suối và có thể phải đi bộ”, một bác cán bộ thôn cho biết. Bác cán bộ thôn còn nhiệt tình giúp chúng tôi gọi xe ôm, nói là “xe ôm” nhưng thực chất là những người nông dân thông thạo địa hình. Họ biết cách len lỏi sâu vào các thôn bản để ra đường trục chính.

 Phóng viên di chuyển qua nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.

Phóng viên di chuyển qua nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.

Trên quãng đường đi, mọi thứ đều dựa vào các anh chạy xe ôm bất đắc dĩ này. Thực tế đoạn ở xã mình các anh còn thông thạo, khi đến địa bàn xã khác, các anh cũng gặp không ít khó khăn, bởi tuyến đường quen thuộc các anh đi cũng bị sạt lở không đi qua được. Chúng tôi vừa đi vừa hỏi, cứ như thế mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đi đến được đường chính và di chuyển tiếp về trung tâm thị trấn. Những câu chuyện buồn cũng bắt đầu từ đây.

 Khi qua đây, mỗi xe máy sẽ bị thu 10.000 đồng/lượt.

Khi qua đây, mỗi xe máy sẽ bị thu 10.000 đồng/lượt.

Chúng tôi di chuyển thêm khoảng 3 km theo đường trục chính nữa thì gặp 1 điểm sạt lở nghiêm trọng, một lượng lớn khối đất, đá lấp hết mặt đường. Một số người đã khơi thông được một lối nhỏ, sát hộ lan bên phải, đủ để người đi bộ, đi xe máy có thể qua.

Thu tiền vé "qua làng".

Thu tiền vé "qua làng".

Tuy nhiên, khi xe máy đi qua, những người đó sẽ thu mỗi xe 10.000 đồng/lượt. Lý do họ đưa ra là mất công đào, cho rằng việc thu tiền là hợp lý: “Nếu không các ông, các bà tìm đường khác mà đi, chúng tôi bỏ công chúng tôi phải thu tiền”, người thu tiền nói. Bất đắc dĩ và cũng không còn cách nào khác nên chúng tôi đành phải trả tiền để tiếp tục đi qua.

Cách trung tâm huyện khoảng 6 km, chúng tôi gặp một đoạn đường bị ngập nước. Đoạn ngập nước dài hơn 100 mét, điểm sâu nhất ô tô, xe máy không thể đi qua. Một số người dân địa phương đã “chế” ra những chiếc bè, mảng bằng cây tre, phao cứu sinh, thùng phi... kết lại một cách thô sơ. Cứ mỗi xe máy đi qua sẽ thu 50.000 đồng/lượt.

Chị L.T.T ở một tỉnh khác về quê gấp vì nghe tin nhà bị sập vì mưa lũ, mẹ và con gái chưa biết sống chết như thế nào: “Mặc dù ức chế nhưng đành phải đóng tiền để nhanh chóng về thôi”, chị T. bức xúc chia sẻ.

Còn bà H.T.Q tâm trí rối bời khi có thông tin gia đình nhà con gái do bị mưa lũ sập nhà chết cả 2 vợ chồng: “Nước quá cao không thể đi qua được, thôi thì đành mất tiền, mặc dù đi kiểu kia cũng không an toàn gì mà điều bây giờ tôi chỉ mong được qua nhanh để vào nhà con gái”.

 Qua điểm ngập úng này mỗi người đi xe máy phải trả 50.000 đồng.

Qua điểm ngập úng này mỗi người đi xe máy phải trả 50.000 đồng.

 Người đi đường trả tiền để được hỗ trợ đi qua điểm ngập úng.

Người đi đường trả tiền để được hỗ trợ đi qua điểm ngập úng.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, những ngày qua Lào Cai đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Ở nhiều nơi, nhiều người dân đang sẵn sàng góp của, góp công bằng cách cho những người gặp hoạn nạn nơi ăn, chốn ở miễn phí. Tinh thần “nhường cơm sẻ áo” lan tỏa khắp nơi, họ từ thiện bằng cái tâm trong sáng, vì đồng bào. Qua câu chuyện này, chúng tôi biết rằng khi những người dân ở thôn kia đào đất thông tuyến đường và những người kết bè, mảng để chở người qua cũng rất vất vả, phải bỏ công sức. Tuy nhiên, trong lúc hoạn nạn tinh thần "tương thân tương ái" cần phải đặt lên trên hết tất cả, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, đau thương. Vậy, có nên hay không nên thu tiền vé "qua làng" những lúc như thế này?

Nhóm PV

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thu-ve-qua-lang-nen-hay-khong-nen-post390366.html