Thú vị cách đặt bí danh của các điệp viên tình báo thời Liên Xô

Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có bí danh hoạt động của mình khi đang học tại trường tình báo. Sau này, chính ông cũng đã xác nhận thực tế này.

Được biết, những bí danh hoạt động (bí danh của các điệp viên trong các tài liệu chính thức của cơ quan tình báo Liên Xô) có đặc điểm là ngắn gọn và dễ nhớ. Cách đặt bí danh này là do mình tự lựa chọn, bởi không có bất kỳ quy tắc bắt buộc nào liên quan đến việc tạo ra “danh xưng thứ hai” cho sĩ quan tình báo. Tuy nhiên, điều này tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể trong Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) và Tổng Cục tình báo Liên Xô.

Bí danh của Putin là Platov

Tại một buổi gặp gỡ thanh niên, đương kim Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin có kể về bí danh hoạt động của mình là “Platov” khi đang đi học ở trường tình báo (nay là Học viện Tình báo Đối ngoại Cờ Đỏ, còn khi đó là Học viện Cờ Đỏ mang tên Yu.V. Andropov thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô). Cuộc trò chuyện có đề cập đến việc, con người hiện đại nên sử dụng cho mình một “nickname” (biệt danh) nào đó trên Internet. Tuy nhiên, khi đó nhà lãnh đạo Nga không giải thích lý do tại sao ông lựa chọn bí danh hoạt động này.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có bí danh “Platov” khi còn đi học tại trường tình báo. Ảnh. Alexey Nikolsky/TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng có bí danh “Platov” khi còn đi học tại trường tình báo. Ảnh. Alexey Nikolsky/TASS

Mặc dù các cơ quan báo chí trung ương và những trang mạng điện tử khác mới đồng loạt đưa tin cách đây không lâu có gắn thẻ hashtag đơn giản kiểu như “Putin từng có bí danh của mình trong trường tình báo”, nhưng bí danh của sĩ quan tình báo Putin đã bắt đầu được công chúng biết đến rộng rãi từ tháng 8-1999.

Chính khi đó, tờ “Moskovsky Komsomolets” đã công bố tài liệu được các phóng viên báo này phỏng vấn “cựu lãnh đạo khoa” của trường tình báo, nơi Putin và “những người bạn học” của ông từng theo học. Tác giả đã thay đổi họ tên đầy đủ của những người cung cấp thông tin, nhưng sự thật vẫn là sự thật, bí danh “Platov” của Putin đã được công bố trên báo chí các phương tiện truyền thông từ cách đây đã lâu. Và sau này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã xác nhận thực tế có bí danh này.

“Cựu lãnh đạo khoa” của trường tình báo nói với tờ “Moskovsky Komsomolets” rằng, chính ông đã chọn cho Putin bí danh này. Ông giải thích lựa chọn này là vì bí danh “Platov” ngắn gọn và giống với chữ cái của họ Putin.

Bí danh mang hàm ý “kiến nhỏ, nhưng cắn đau”

Vì những lý do cụ thể, nên không có nhiều thông tin xác thực về đặc điểm hoạt động của các cơ quan tình báo Liên Xô, kể cả thông tin làm việc với các điệp viên ở nước ngoài. Hơn nữa, những thông tin đó thường mang tính chủ quan, vì chúng không căn cứ vào những tài liệu rõ ràng.

Việc lựa chọn bí danh hoạt động của cựu Đại tá Liên Xô Boris Karpichkov, người từng làm việc cho KGB tại Latvia và đào tẩu sang phương Tây khi Liên Xô sụp đổ, cũng có sự thú vị riêng. Theo một số nguồn tin, ông này là điệp viên hai mang cho cả tình báo Anh. Karpichkov từng cho rằng, việc lựa chọn bí danh không hề theo hệ thống nào cả và vì sự lựa chọn đó mà ai cũng có thể tự đặt một cách tùy thích. Chẳng hạn, khi cựu sĩ quan KGB Karpichkov yêu cầu “trợ lý bí mật”, người lúc đó là công an viên phụ trách khu vực, giải thích lý do tại sao anh ta chọn bí danh “Con kiến” cho mình, thì anh ta đáp lại: “Kiến nhỏ, nhưng cắn đau!”. Về cơ bản, theo Karpichkov, các cán bộ bí mật của ông ta đã tự chọn bí danh cho mình, theo ý của họ. Một đặc điểm nổi bật thống nhất cho việc lựa chọn bí danh hoạt động, đó là bí danh chỉ có một từ, ngắn gọn, âm vang mà có chứa hàm ý.

Nguồn gốc bí danh của hai điệp viên Sorge và Banionis

Bí danh hoạt động nổi tiếng nhất của sĩ quan tình báo Liên Xô Richard Sorge là Ramsay (ông từng có đến vài bí danh khác nhau). Tại huyện Mokshan thuộc tỉnh Penza hiện nay có ngôi làng tên là Ramzai. Từ “Ramzai” trong ngôn ngữ Phần Lan-Ugria có nghĩa là “Nước tinh khiết”. Các nhà sử học tình báo Liên Xô có giả thuyết cho rằng, bí danh này là do một thầy giáo đặt cho Richard Sorge. Thầy giáo này tên là K.M. Basov, cán bộ của cơ quan trung ương tình báo đối ngoại Liên Xô, xuất thân là xạ thủ người Latvia.

Cách đây không lâu, trên báo chí có xuất hiện thông tin về sự hợp tác với KGB của một trong những diễn viên nổi tiếng nhất nền điện ảnh Xô viết, đó là Donatas Banionis. Ông dường như được cho là đã làm việc với Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô dưới bí danh “Bronos” (“Bronius”). Thông tin này đã được một tổ chức của Litva công bố. Tuy nhiên, ấn bản điện tử “Meduza” của Latvia cho biết, rất lâu trước đó, bản thân Banionis trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Moskovsky Komsomolets” đã thừa nhận rằng, ngay sau khi trở về từ các chuyến công tác nước ngoài, ông phải viết báo cáo cho KGB về những người ông đã gặp gỡ và về những gì họ nói chuyện với nhau. Thực tế về việc hợp tác của nam diễn viên này với KGB đến nay vẫn chưa được xác nhận chính thức bởi bất cứ tài liệu nào hay bất kỳ ai. Nguồn gốc của bí danh “Bronos” (“Bronius”) cũng chưa từng được ai giải thích. Có một điều là, cái tên này khá phổ biến tại Litva.

QUỐC KHÁNH (theo russian7.ru)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/thu-vi-cach-dat-bi-danh-cua-cac-diep-vien-tinh-bao-thoi-lien-xo-669695