Thú vị mật ngữ làng 'cõi âm'
Ngôi làng cổ Phú Hải ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có lịch sử gần 500 năm tuổi, không chỉ nổi tiếng với nghề làm hàng mã, chăm sóc cho 'người âm', mà người dân nơi đây còn dùng một thứ mật ngữ để giao tiếp với nhau rất thú vị.
Theo lời giới thiệu của bà Cái Thị Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng (QLDT&BT) tỉnh Quảng Trị, tôi tìm về làng Phú Hải một ngày tháng 7 âm lịch. Đây là thời điểm người dân làng này bận rộn nhất trong năm, vì người sống với tâm lý chăm sóc cho “người cõi âm”, nhất là những người chết không rõ danh tính, những bộ quần áo, giày dép mới với quan niệm “sống ở dương gian thế nào chết về âm phủ thế ấy!”.
Hỏi nhà ông Trần Đức Tảo, cậu bé chừng 7 – 8 tuổi đang chăn đàn bò ở cạnh con đường bê tông liên xã dẫn tôi vào một xóm nhỏ nơi đang có đông người cùng nhau làm việc, cặm cụi cắt, dán các thứ đồ dùng cho “người âm”. “Chú hỏi mấy ông mấy bà đó nhé!”, thằng bé chỉ tay về phía họ bảo tôi rồi quay trở lại chỗ đàn bò.
Những đàn ông, đàn bà đang nói chuyện rôm rả, thấy người lạ bỗng chuyển sang một thứ ngôn ngữ khác, người ngoài nghe không thể nào hiểu được. Sau khi nghe tôi trình bày lý do muốn tìm hiểu các mật ngữ của họ, một cụ ông lớn tuổi nhất ở đây nghiêm trang nói: “Đây là bí mật của làng, chỉ có Hội đồng kì mục trong làng mới quyết định được”. Ông đồng ý dẫn tôi đi gặp người đứng đầu hội đồng này. Đoạn, ông đứng dậy nói với một người khác cũng đang ngồi ở đây: “Tỏi hè!”. Lát sau, cả 3 chúng tôi cùng đi mà tôi không hiểu hai từ ấy có nghĩa là gì.
Khi chúng tôi đến, người đứng đầu Hội đồng kì mục là ông Trần Đức Tảo đang cùng vợ cặm cụi, cắt, dán tỉ mẩn từng thứ đồ dùng cho “người âm”. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng đôi mắt ông vẫn còn sáng rõ, đôi tay mềm mại “đưa” những đường kéo sắc lẹm trên những tờ giấy màu khổ lớn.
Khi biết tôi muốn tìm hiểu mật ngữ của làng, ông Tảo tỏ ra phân vân, rồi nói rằng: “Các từ thông dụng thì tôi có thể nói cho chú, song muốn tìm hiểu kỹ thì phải có cuộc họp thống nhất của tất cả thành viên Hội đồng kì mục tôi mới cung cấp được. Bởi lẽ, xưa nay chưa từng có tiền lệ tiết lộ mật ngữ của làng cho người ngoài nên mong chú thông cảm cho!”. Tôi cảm ơn ông Tảo và nói: “Cháu cũng chỉ muốn biết những từ đơn giản thôi ạ và nguyên nhân làng mình hình thành nên những mật ngữ ấy!”.
Không đợi ông trả lời, chợt nhớ đến 2 từ “tỏi hè” lúc nãy nên tôi hỏi luôn. Ông Tảo liền cười lớn, giải thích: “Tỏi là loại gia vị cùng họ với hành mà mình hay gọi là hành, tỏi. Trong tiếng Hán hành nghĩa là đi, rồi diễn dịch qua tỏi. “Tỏi hè!” vì thế có nghĩa là “đi hè!”. Đây chỉ là từ đơn giản được diễn dịch thành ngôn ngữ riêng của làng”, ông Tảo giải thích thêm. Lúc này, đứa cháu của ông Tảo từ trên gác đi xuống bất ngờ hỏi: “Càn vi thất chi?”. Ông Tảo liền ngước mặt lên trả lời người cháu: “Càn vấn sư”. Thấy tôi ngơ ngác, ông lại cười, giải thích: “Càn vi thất chi nghĩa là chú đó đang làm gì vậy? Còn càn vấn sư nghĩa là chú đang nói chuyện với ông”…
Tôi hỏi ông Tảo nguyên nhân và từ khi nào làng Phú Hải hình thành nên những mật ngữ như thế? Ông Tảo bảo, từ thời chống giặc Pháp xâm lược, để phục vụ công tác giao liên, đảm bảo giữ bí mật cho dân quân du kích, bộ đội hoạt động nằm vùng, người làng Phú Hải đã nghĩ ra và thống nhất với nhau những thứ mật ngữ đó. Đến thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng vì mục đích trên, mật ngữ của làng phát triển mạnh mẽ hơn, hình thành nên một hệ thống mật ngữ rất phong phú và logic.
Bà Cái Thị Vượng, Phó Giám đốc Trung tâm QLDT&BT tỉnh Quảng Trị cho biết: “Ngữ âm làng Phú Hải ban đầu là cách sử dụng âm Hán Việt và các từ lóng dựa trên khả năng sáng tạo của những người hành nghề thầy pháp. Một thời gian dài, mục đích của nó là phục vụ kháng chiến, về sau những mật ngữ này phù hợp và đáp ứng được xu thế phát triển của ngôn ngữ cộng đồng làng Phú Hải cho nên những người khác nói theo”.
“Hiện tại, cùng với ngữ âm làng Phú Hải, ngữ âm dân gian Vĩnh Tú - phương ngữ Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã được đưa vào danh mục kiểm kê thuộc loại hình Di sản phi vật thể của tỉnh Quảng Trị, thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết", bà Vượng cho biết thêm.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/thu-vi-mat-ngu-lang-coi-am-i665497/