Thú vị nhật thực
Trong các hiện tượng tự nhiên, nhật thực (eclipse), nhất là nhật thực toàn phần có lẽ là hiện tượng tráng lệ, kỳ bí và cũng bất ngờ nhất.
Sở dĩ như vậy vì bầu trời trở nên tối đen, song người ta vẫn thấy một quả cầu lửa trên cao đang bị che dần, rồi lịm tắt sau khi tóe ra những tia lửa rực rỡ.
Được một lúc, trời lại sáng, nhưng cả người và vật đều nhao nhác, do những con thú ăn đêm bỗng nhiên thức dậy đi săn, còn các sinh vật ban ngày lại có xu hướng le te về ngủ. Tất thảy muôn loài đều cùng gặp nhau lúc này ngỡ ngàng và bồn chồn.
Một trong các lần nhật thực được xác định lâu đời nhất là nhật thực Ugarit đã có mặt cách đây 3.375 năm tại Syria và kéo dài hai phút, bảy giây. Có người xem đây là do thần linh, như thần Mặt trời giận dữ với loài người mà bỏ đi, và tiêu biểu nhất là thần thoại của người Hy Lạp, để từ đó có từ eclipse, xuất phát từ chữ ekleipsis, nghĩa là bỏ rơi.
Có người lại xem nhật thực là do một sinh vật khổng lồ đã nuốt chửng Mặt trời, như truyện cổ của người Trung Quốc, với hình tượng rồng mây ăn thái dương. Trong khi đó ở châu Phi và châu Mỹ có chuyện Mặt trời - Mặt trăng đánh nhau hoặc yêu đương mà làm mất đi nguồn ánh sáng của thế giới.
Tại Việt Nam, dân gian tin rằng, Con cóc của đại sư Hạnh vì bức bối do bị xích lâu ngày và đói đã ngoạm Mặt trời. Những lúc ấy, nam nữ phải khua chiêng, gõ trống, giã gạo, nổi lửa để đánh thức ngài dậy nhằm ngăn cản con vật tiêu hóa nó.
Tại Ấn Độ, người Hindu lại nghĩ Mặt trời biến mất vì bị con quỷ Rahu nuốt. Trước đó, do tội trộm thuốc trường sinh, Rahu đã bị thần Visnu chặt đầu và nhờ đã uống thuốc nên cái đầu vẫn sống, khi gặp Mặt trời đã nuốt Mặt trời luôn, song do không thông với dạ dày nên chỉ cần qua họng Rahu, Mặt trời lại thoát ra.
Với người Hàn Quốc, nhật thực là bởi hai con chó lửa Bulgae của âm phủ đã bay lên trời đánh cắp Mặt trời, Mặt trăng do chủ của nó rất thích ánh sáng của thiên đường…
Từ cách đây hàng nghìn năm, người Babylon đã là chuyên gia về quan sát thiên tượng và dự đoán nhật thực. Vì hiếm gặp nhật thực, đặc biệt là nhật thực toàn phần tại một nơi nên họ luôn gắn nhật thực với sự ra đời và diệt vong của một triều đại, đất nước và ít ra là sự lên ngôi, hạ bệ của một ông vua.
Người Trung Quốc sau này cũng dựa vào nhật thực để tiên liệu về các hoàng đế, sự kiện và mùa màng trong nước. Do để giúp vua biết trước được “thiên ý” nhằm cai trị nhân dân, nên viên quan nào mà dự báo sai nhật thực sẽ bị trừng phạt.
Trong lịch sử đã có rất nhiều lần nhật thực xảy ra, nhưng theo cuốn sách Cactalo năm thiên niên kỷ về nhật thực, thì từ năm 2000 trước Công nguyên đến năm 3000 sau Công nguyên sẽ có 11.898 lần nhật thực.
Và không chỉ Trái đất, có nhiều thiên thể trong Hệ Mặt trời và Ngân hà cũng có nhật thực, chỉ có điều muốn ngắm chúng phải ra ngoài không gian.
Theo Solar System
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thu-vi-nhat-thuc-post610945.html