Thú vị tên gọi các tháng trong năm

Dương lịch đã được biết từ thời La Mã và dùng nhiều nhất từ triều đại của Julius Ceasar, nên thường được gọi là lịch Julian.

Lịch tháng Tư.

Lịch tháng Tư.

Lịch La Mã lúc đầu chỉ có mười tháng, gồm tháng Ba đến tháng Chạp, mà chưa thấy tháng Giêng, Hai. Ấy là vì hai tháng này là mùa đông rét mướt, và người xưa dường như chỉ muốn nhớ tới mùa xuân trở đi với cây cỏ tốt tươi, mà thể hiện rõ nhất là ở tháng Tư theo tiếng La Mã là Aprilis: mãn khai - ý chỉ hoa cỏ nở rộ.

Nói chung, việc làm lịch và đặt tên tháng, thậm chí tuần và ngày trong lịch Julian đều mang đậm yếu tố tâm linh để hướng tới một thần linh, cầu xin một kiểu thời tiết hay một phẩm chất đặc biệt nào đó.

Trong văn hóa La Mã, có vị thần gác cổng Janus, có hai đầu ngoảnh về hai phía, nhìn được mọi thứ từ sau ra trước, quá khứ, hiện tại - tương lai, vì thế được lấy tên đặt luôn cho tháng Giêng, với ý nghĩa là tháng đầu năm - vạn sự đều mới lạ, cần suôn sẻ. Tuy mới, song chúng luôn được tiếp sức, kế thừa từ những cái cũ, những công việc còn dang dở, và nhắc nhở ai đó cần phải cẩn trọng trong từng quyết định, để làm gì cũng hanh thông.

Vì là thần gác cổng, nên dưới chân Janus, có bốn cánh cửa quay về bốn hướng, trên tay ông cũng cầm một cái chìa khóa đại, và thậm chí trong bức tranh in khắc tháng Giêng năm 1698 của Jacobus Harrewyn, tay kia còn cầm một tấm bảng ghi 365 ngày, ngụ ý mọi ngả đường đều rất thênh thang, rộng mở đón chào ta.

Lịch tháng Sáu.

Lịch tháng Sáu.

Tháng Hai được lấy tên theo vị thần của sự thanh khiết, tinh bạch Februa. Một thần tiên, mà theo bức tranh tháng hai của John Samuel Agar vào năm 1807, ngồi trên một vỏ sò ở mặt biển, được hai chú cá heo Pisces kéo. Qua đó, người xưa mong rằng, ở tháng Hai con đường dưới chân cũng rộng dài như biển, và vừa vào năm mới đã gặp đầy những điều may mắn, trong trẻo với một tâm thế vô tư, sảng khoái như đang vui đùa. Vào tháng Hai, do đó ai nấy đều mặc quần áo mới và dọn dẹp nhà cửa thật gọn gàng.

Chiến thần Mars lại được chọn làm tên của tháng Ba - xưa kia là tháng đánh dấu mùa xuân ở La Mã. Tại sao người xưa lại chọn vị thần chiến trinh làm chủ thể của mùa xuân, khó mà giải thích nổi, song có lẽ vì truyền thống đi mở rộng lãnh thổ của họ và hơn thế Mars là một nam thần rất hùng mạnh: Mặc áo giáp, cầm vũ khí chống đỡ quân địch. Đế chế La Mã lớn mạnh được là nhờ liên tục thao lược và bành trướng lãnh thổ từ Tây sang Đông. Và với dân gian xưa, có một dũng tướng bảo vệ đầu năm như vậy thì còn gì bằng.

Lịch tháng Hai.

Lịch tháng Hai.

Như đã nói, tháng Tư là tháng muôn hoa đua nở ở La Mã, và được ứng với nữ thần tình yêu - sắc đẹp Venus, cũng như nữ thần vườn tược La Mã, người tạo nên các phong cảnh trữ tình. Và qua một bức tranh của Antoine Jules Pelletier vào năm 1848 thì vào tháng Tư, có cả hoa của đồng nội tới núi cao, sông hồ, hoang mạc cùng khoe sắc, trong đó tiêu biểu là hoa chuông hay ly.

Tháng Năm là tháng vạn vật sinh trưởng, nên mang tên thần đất Maia, nữ thần của sự phì nhiêu. Vì trong tháng Năm, cả trồng trọt lẫn chăn nuôi đều phát triển nên trong một họa phẩm của Christian Bernhard Rhode vào năm 1791, thấy cùng lúc với đất đai trù phú là hai anh em song sinh (chòm sao Song Tử) Castor đứng trên mây và Pollux cầm khiên giáo theo dõi một đứa trẻ chăn cừu.

Tên của tháng Sáu dựa vào nữ thần Juno, người quản lý hôn nhân và sinh đẻ, cũng là vợ của Jupiter - chúa thần. Tháng Sáu ứng với đầu hè, mọi loài đều đông đúc, nên dễ hiểu tại sao lại có tên này. Nhằm khiến mọi người nhớ tới, cả Julius Ceasar và Augustus đều chọn một tháng trong năm theo tên của mình: Julius cho tháng Bảy và Augustus cho tháng Tám. Trong mắt của người xưa, họ cũng là một vị thánh quân, cai trị toàn thế giới.

Tháng Chín, Mười, 11, 12 là bốn tháng được đặt tên theo các chữ số La Mã, song vẫn liên hệ mật thiết tới các biểu tượng mùa vụ. Ví như tháng Chín đầu thu là một nam thần cầm và gánh trên vai những giỏ nho và sung lủng lẳng, gợi nhớ tới vị thần rượu. Tháng Mười liên quan tới thần công bằng - pháp lý, tháng 11 thần y và tháng 12 thần nông.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thu-vi-ten-goi-cac-thang-trong-nam-PhVCwvaGg.html