Thú vị và mạo hiểm với nghề săn ong vò vẽ

ĐTO - Không gian rợp sắc xanh của những cánh rừng tràm ở vùng đất Tháp Mười bao năm qua là nơi trú ngụ của nhiều loài ong. Với những người săn ong có thâm niên với nghề, khi tiết trời quang mây, họ sẽ sửa soạn và chuẩn bị cho hành trình săn tìm loài ong vò vẽ - 1 loài ong có chứa nọc độc, thường chọn làm tổ lơ lửng trên những nhánh tràm tít tận những nơi ít dấu chân người.

Ong vò vẽ già có nọc độc được chọn để ngâm rượu

Ong vò vẽ già có nọc độc được chọn để ngâm rượu

Gặp thầy săn ong

Nghề săn ong vò vẽ ít người chọn để mưu sinh, bởi loài ong này rất hung dữ và có nọc độc. Đa số người lỡ gặp phải thường bỏ chạy, nhưng với những người săn ong, kinh nghiệm lâu năm, chỉ cần nhìn, quan sát là biết được loại ong nào hiền hay dữ, có thể gây nguy hiểm hay không. Trong giới săn ong vò vẽ, ông Phạm Văn Út ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười được mọi người gọi là thầy. Bởi ông Út đã có 40 năm kinh nghiệm săn ong, với cặp mắt tinh anh, chỉ cần nhìn con ong bay từ xa, có thể phân biệt được loại ong nào, hiền hay dữ, tổ ong đang ở gần hay cách xa bao nhiêu mét. Với ông Út, nghề săn ong là niềm đam mê cũng là công việc để giúp người khác bởi ong vò vẽ là loài ong độc, người thường nếu không may va vấp trúng, chỉ cần vài vết chích của ong vò vẽ có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ong vò vẽ không chỉ đóng tổ trong rừng tràm, mà chúng chọn nơi đóng ngẫu nhiên, đôi khi đóng gần đường đi, trong nhà, trong tủ, nơi đông người qua lại. Một số người không may bị ong “chọn” nhà làm nơi đóng tổ thì luôn phập phồng lo sợ vì không biết chúng túa ra chích lúc nào nên phải khẩn trương tìm kiếm người bắt. Ông Út kể: “Tôi vừa đi xã Thanh Mỹ (huyện Tháp Mười) bắt 1 tổ ong vò vẽ đóng ngay trong gian phòng khách, chủ nhà nhìn thấy sợ không dám tới gần, biết tụi tui săn ong nên họ tìm đến nhờ đi bắt giúp. Cũng tốn hết 1 buổi mới gỡ được hết tổ ong, ổ to lớn tầm 1 người ôm...”. Nghề chính của ông Út là nghề bán quần áo dạo tại các chợ nông thôn và đi rong ruổi khắp những phiên chợ quê ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp. Cái nghề đi khắp nơi là cơ duyên để ông lưu giữ nghề săn ong vò vẽ được truyền qua mấy đời dòng họ. Để săn ong vò vẽ, đôi mắt của ông Út phải luôn quan sát, tìm kiếm, nhìn từng loài ong, nào là ong lá, ong nghệ, ong lổ... và phải biết thêm đặc tính và thói quen của từng loài để biết mà săn.

Cận cảnh tổ ong vò vẽ được những người bắt ong mang về

Cận cảnh tổ ong vò vẽ được những người bắt ong mang về

Trên chiếc vỏ lãi ngược xuôi trên dòng kênh, cùng với các thành viên trong đoàn săn ong, ông Út sẽ đảm nhiệm vai trò chính, ngồi trước quan sát từ xa những con ong bay lượn để định dạng, phỏng đoán cự ly đàn ong bay xa hay gần; ong đang đi kiếm thức ăn hay bay đi làm tổ. Lội sình men qua những thân tràm, đến gần tổ, ông Út sẽ nhìn vào tổ, nhìn chân và đôi mắt của loài ong. Ong vò vẽ thường có hình dáng to hơn các loài ong khác, cổ có ngấn vàng, sẵn sàng tấn công người săn ong bất cứ lúc nào. Với những kinh nghiệm săn ong lâu đời, người bắt ong vò vẽ không cần đốt lửa, chỉ cần bẻ nhánh tràm là tóm gọn được cả đàn ong. Khoảng 2 năm nay, ong vò vẽ về nhiều, trú ngụ khắp nơi, anh em trong nghề thay phiên nhau đi săn, tổ nào có ong đóng ổ lộ thiên thì bắt trước để người dân đi tới lui an toàn, tổ nào ẩn sâu thì phải chờ ong tới lứa, tới mùa.

Tổ ong vò vẽ đóng trên nhánh tràm, trong rừng tràm thuộc địa bàn huyện Tháp Mười

Tổ ong vò vẽ đóng trên nhánh tràm, trong rừng tràm thuộc địa bàn huyện Tháp Mười

Nghề săn cũng lắm công phu

Giới săn ong thường tranh thủ đi vào những lung tràm, miệt nông trường, những nơi hoang sơ còn ít dấu chân người. Mỗi chuyến đi 2 - 3 người, đi bằng xe gắn máy, đi bộ, đi xuồng, vỏ lãi, thời gian săn ong kéo dài cả ngày, dăm ba ngày là chuyện thường. Người đi săn thấy ong vò vẽ bay rồi thì đeo theo suốt cả cây số, lặn lội trong rừng, nước ngập chân, lội bùn sình, trơn trợt, có khi chờ đến đêm mò mẫm mới tới tổ ong.

Người săn ong nhiều kinh nghiệm chỉ cần liếc sơ, nếu tổ ong hiền khi đứng sát bên cũng không sao, nhưng gặp ong dữ thì nhìn vào đôi mắt và chân của con ong là biết chúng sắp tấn công. Khi gặp tình huống này, người săn ong chỉ có nước bỏ chạy hoặc nhảy xuống sông. Em Nguyễn Văn Hải – người săn ong vò vẽ trẻ nhất trong nhóm ông Út chia sẻ: “Vô nghề 2 năm nay, em từng bị ong vò vẽ dữ chích rồi, chỉ 1 con thôi nhưng nó làm em tê người, hành sốt nóng, lạnh cả đêm, gặp những con ong dữ này thì cũng phải ráng chạy nhanh, nhảy sông ngâm nước chứ không biết chỗ nào mà tránh...”.

Ong vò vẽ thường xây tổ cho tới khi mùa mưa tới và mùa nước lũ tràn đồng thì chúng chuyển hoặc bỏ tổ để đi tìm nơi khác. Dù kinh nghiệm nhưng anh em sống với nghề săn ong trong mình ai cũng có 5-7 vết ong chích, nọc ong làm thành những vết sẹo trên người.

Không chỉ săn ong trong rừng tràm, những nơi hoang vắng, nhóm người săn ong còn nhận giúp những người bị ong vò vẽ “chọn” nhà của họ để làm nơi đóng ổ. Anh Nguyễn Minh Vương ngụ tại xã Mỹ Hòa chia sẻ: “Nghề nghiệp mà, anh em đi tầm ong gặp loại ong này ở gần nhà dân, trong kho, hay trên đường sẽ dừng lại bắt hoặc đuổi đi để không gây nguy hiểm cho người khác...”. Chuyện bị ong phát hiện túa ra, đánh sưng mình thì gặp như cơm bữa, nhưng đã đi săn vài lần là ghiền, tới mùa là đi săn ong. Cảm thương sự vất vả của nghề, người săn ong rất quý nhau và có quy tắc không giành tổ ong, người nào gặp tổ ong trước thì bẻ nhánh, hay xé vỏ tràm làm dấu, khi nào rảnh vào bắt chứ không ai tranh giành. Tới mùa cả nhóm rủ nhau đi, từ rừng này sang rừng khác, tỉnh này sang tỉnh khác...

Người săn ong vò vẽ lội sình đi tìm tổ ong

Người săn ong vò vẽ lội sình đi tìm tổ ong

Để bảo vệ rừng, những người săn ong sẽ dùng kinh nghiệm để bắt sống cả tổ chứ không đốt lửa. Nghề săn ong vất vả, nguy hiểm nên hầu như ít ai muốn theo, như gia đình ông Út, chỉ có ông và người con rể là theo nghề. Ở Đồng Tháp, người chọn nghề săn ong vò vẽ không nhiều, chỉ khoảng 4-5 nhóm ở rải rác nhiều nơi. Họ gắn bó với nghề chỉ vì đam mê và nghề cha truyền, con nối, kinh nghiệm thực tế được tích lũy bằng mồ hôi, đôi khi cả tính mạng. Những tổ ong khi được săn về, chiếc tổ đen xù xì kết dính bằng vỏ tràm được người săn đem tặng cho ai cần làm thuốc trị bệnh. Ong già có nọc độc được để vào chai sành ngâm rượu, đãi khách quý phương xa.

Lặn lội đường xa đến xin tổ ong vò vẽ về làm thuốc cho cha, chị Nguyễn Thị Nga ngụ xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười cho biết: “Tôi kiếm tổ ong này lâu lắm rồi, trên mạng thấy cũng có đăng bán nhưng sợ đồ giả. Tôi tìm tổ ong về để làm thuốc, cũng may thấy ở đây có cho tổ ong vò vẽ miễn phí nên tới xin...”.

Mỗi một mùa qua, người săn ong vò vẽ nơi vùng đất Tháp Mười vẫn lo chuyện mưu sinh, nhìn trời, đón gió, chờ đợi đến mùa đàn ong về làm tổ. Câu chuyện về nghề săn ong vò vẽ của những người dân nơi đây là câu chuyện thú vị về một nghề vốn dĩ nhiều người không dám lựa chọn.

C.P

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/thu-vi-va-mao-hiem-voi-nghe-san-ong-vo-ve-103591.aspx