Thú vị với hình ảnh Việt Nam hơn 100 năm trước qua góc máy nhà nhiếp ảnh Pháp
Với góc nhìn đầy cảm xúc về đời sống, con người Việt Nam hơn 100 năm trước, loạt ảnh được in trong sách 'Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ' (Đông A Books) đã để lại nhiều thú vị cho người xem.
Một số người Pháp - trong đó có Pierre Dieulefils - từng dày công nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam. Những bức ảnh của Pierre được chụp từ năm 1885 ghi lại đời sống, sinh hoạt người Việt trở thành nguồn tư liệu quý cho những nhà nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật, thời trang hiện nay.
Pierre Dieulefils (1862 - 1937) đến từ vùng Bretagne - Pháp. Ông gia nhập quân đội năm 1883, sang Đông Dương lần đầu năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại miền Bắc Việt Nam, rẽ sang làm nghệ sĩ nhiếp ảnh và xuất bản bưu ảnh chuyên nghiệp.
Năm 1905, Pierre Dieulefils đến Sài Gòn rồi sang Phnom Penh và Angkor - Campuchia. Năm 1909, ông tập hợp bộ ảnh về Đông Dương và xuất bản tập sách ảnh mang nhan đề "Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin" (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ). Tác phẩm đem lại cho ông huy chương vàng tại Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles - Bỉ năm 1910.
Năm 1913, Pierre Dieulefils về Pháp, dành phần lớn thời gian sáng tác thơ ca. Ông qua đời tại quê nhà Malestroit.
Bộ sưu tập ảnh của Pierre Dieulefils là gia tài đồ sộ mang nhiều ý nghĩa cho công tác khảo cổ, nghiên cứu về đời sống văn hóa vùng miền, tập tục sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật của người Việt Nam hơn 100 năm trước.
Phần chú thích ảnh do dịch giả Lưu Đình Tuân chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp, tham khảo thêm phần chú chữ Hán - Nôm của ông Claude Maitre, từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội và nhiều nguồn tài liệu khác.Dịch giả Ngụy Hữu Tâm hiệu đính phần chú thích tiếng Đức.
Sách có 261 bức ảnh, được chụp ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; chú thích bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Đức.