Thư viện quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chuyển đổi số, dễ dàng tiếp cận
Thư viện Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phân loại và trình bày các di sản văn bản và hình ảnh, được thành lập vào năm 1946 và mở cửa đón độc giả từ tháng 8/1948.
Theo trang Hurriyet Daily News, từ năm 2020, trung bình hàng năm có 2,5 triệu người truy cập dịch vụ thư viện trên Internet. Các danh mục trên internet mà Thư viện Quốc gia cung cấp bao gồm: "Tìm kiếm theo danh mục", "Hệ thống Thư viện Kỹ thuật số", "Thư mục Thổ Nhĩ Kỳ", "Thư viện Âm thanh" dành cho người khiếm thị, "Bộ sưu tập Đĩa than" và "Thư viện Kỹ thuật số châu Âu" (Europeana).
Hàng triệu nội dung kỹ thuật số được sản xuất
Tính đến tháng 7/2020, bộ sưu tập của thư viện đã lưu trữ lên tới 1.437.008 đầu sách in, 1.505 bản thảo hiếm có chữ cái Latinh, khoảng 272.695 tạp chí và 26.0362 cuộn phim vi mô. Ngoài ra, các dịch vụ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu bao gồm 21 cơ sở dữ liệu điện tử.
Ngành thư viện quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành số hóa bộ sưu tập khổng lồ của thư viện, tổng cộng 20 triệu trang tài nguyên, với kế hoạch mở rộng khả năng tiếp cận ra ngoài Ankara.
Ngoài những cuốn sách in đầu tiên bằng chữ Ả Rập trong thời kỳ Ottoman, Thư viện Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ còn có một bộ sưu tập sách in hiếm có bằng chữ Latin trước năm 1801.
Nhiều nội dung trực quan như bản thảo, báo và tạp chí có giá trị từ cuối thời kỳ Ottoman. Tranh của các họa sĩ nổi tiếng và áp phích điện ảnh có thể được truy cập thông qua hệ thống thư viện kỹ thuật số của Thư viện Quốc gia, bao gồm 11.128 triệu danh mục.
Nhờ số hóa, các nhà nghiên cứu có thể truy cập khai thác thông tin về lịch sử phong phú của Thổ Nhĩ Kỳ từ bất kỳ thời gian và địa điểm nào trên thế giới, miễn là có kết nối Internet nhằm sử dụng trong các nghiên cứu văn hóa và khoa học.
Trong phạm vi nghiên cứu số hóa, bộ sưu tập tạp chí và bản thảo quý giá lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được ưu tiên lưu trữ. Gần 16 triệu nội dung kỹ thuật số đã được sản xuất cho đến nay.
Trong kho lưu trữ sách nói hỗ trợ công dân khiếm thị từ các dịch vụ thư viện, có hơn 5.000 cuốn sách đã được lồng tiếng ở nhiều thể loại khác nhau như tiểu thuyết, thơ, tiểu luận, truyện và tâm lý học.
Ngoài ra, trong số những cuốn sách được lồng tiếng với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên, những cuốn sách thường xuyên sẽ được biên tập và hoàn thành vào mỗi thứ Sáu hàng tuần, sau đó xuất bản trên trang web. Vì vậy, những cuốn sách nói này được thêm vào kho lưu trữ.
Thư viện Quốc gia, nơi trao đổi hoặc tặng sách cho các quốc gia gần Thổ Nhĩ Kỳ về mặt lịch sử và văn hóa, cho đến nay đã gửi khoảng 10.000 cuốn sách đến các thư viện ở nước ngoài.
Góp phần bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa quốc gia
Mặt khác, tại "Phòng thí nghiệm phục chế và bảo tồn" của Thư viện Quốc gia, khoảng 10.000 bản thảo và hiện vật quý hiếm được bảo vệ chống lại sự ăn mòn.
Với hệ thống đĩa than, một trong những dịch vụ đặc biệt nhất của thư viện là khoảng 6.200 đĩa trong bộ sưu tập đã được chuyển sang phương tiện kỹ thuật số và được trình bày theo sở thích của những người yêu âm nhạc trên Internet.
Chuyển đổi hóa thư viện đã giúp người dân có thể tiếp cận được các nguồn tài nguyên phong phú của thư viện, góp phần làm đa dạng bộ sưu tập của thư viện. Là một phần trong những nỗ lực đang diễn ra, Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ đang đi đầu trong chiến dịch số hóa nhằm thúc đẩy nỗ lực bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa phong phú của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Trong những năm gần đây, Thư viện Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã số hóa hơn 20 triệu trang, chủ yếu tập trung vào báo, tạp chí và sách. Chúng tôi ưu tiên quét các cuốn sách có bản quyền đã hết hạn, sử dụng làm tài liệu giúp người đọc có thể tiếp cận thông qua thư viện kỹ thuật số trên trang web của Thư viện Quốc gia. Ngoài ra, tất cả các số báo quốc gia của chúng tôi cho đến cuối năm 2023 đều đã được số hóa. Chúng tôi vẫn tiếp tục số hóa các tờ báo địa phương, bắt đầu từ các phiên bản cũ nhất", Người đứng đầu Thư viện Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Taner Beyoğlu cho biết.
Theo ông Beyoğlu, thư viện cũng có hệ thống quét sách. Trong tương lai gần, Thư viện Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cung cấp tất cả các nguồn thông tin trực tuyến.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải đến thư viện tìm kiếm thông tin mà chỉ cần truy cập các nguồn thông tin kỹ thuật số của Thư viện Quốc gia, có liên kết với 100 thư viện công cộng và các trạm thư viện kỹ thuật số.
Ông Beyoğlu tuyên bố thiết bị có giá trị nhất vừa được bổ sung vào Thư viện Quốc gia về mặt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số là máy quét tự động.
"Chúng tôi quét sách tự động, không cần sự can thiệp của con người. Quá trình quét cả tạp chí và sách tại thư viện diễn ra nhanh chóng", ông Beyoğlu nói./.