Thư viện: Sáp nhập hay xóa bỏ?
Tại Hội thảo 'Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới' do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi: 'Trước đây, thư viện là nơi lưu trữ sách và mọi người đến tìm kiếm sách để đọc. Nhưng thời đại đã thay đổi. Chức năng lưu giữ sách của thư viện liệu có còn cần thiết, và có nhất thiết là mọi người phải đến thư viện ngồi đọc sách nữa không? Nếu câu trả lời là vẫn cần thiết thì phải làm gì để phát huy được vai trò của thư viện?'.
Thư viện: Cần bắt kịp xu hướng thời đại để tránh tụt hậu
Là người đặt ra câu hỏi nhưng ngay sau đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là người trả lời. Ông đã lấy ví dụ từ thực tiễn đọc sách của cá nhân, để minh chứng cho nhiệm vụ số 1 của các thư viện Việt Nam hiện nay là số hóa tư liệu thay vì lo phòng đọc cho người sử dụng. Nhà sử học này cho biết, ông ở Việt Nam nhưng vẫn khai thác nguồn tài liệu của nhiều thư viện trên thế giới nhờ vào công nghệ. Việc số hóa đã mang tới những lợi ích thiết thực cho bạn đọc vì họ không cần phải đến tận nơi, mà chỉ ngồi nhà cũng có thể đọc được sách ở một thư viện xa xôi. Đặc biệt, giới trẻ Việt Nam tiếp cận với công nghệ rất nhanh nên các thư viện cần bắt kịp xu hướng của thời đại để tránh bị tụt hậu.
Hơn thế, nhà sử học Dương Trung Quốc còn chia sẻ, Thư viện Quốc gia Việt Nam là đơn vị tiên phong thực hiện việc số hóa nhưng số tư liệu đã được xử lý chưa tiện dụng cho người sử dụng, rất khó dùng. Trả lời cho vế thứ hai, nếu các thư viện vẫn cho rằng, việc đi tới tận nơi đọc sách là cần thiết, nhà sử học Dương Trung Quốc lại đề ra một giải pháp khác nhằm khắc phục hiện trạng thưa thớt bạn đọc đến mức “vắng hơn chùa bà Đanh”.
Đó là các thư viện cần chuyển đổi mô hình sử dụng, trở nên năng động hơn bằng việc không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách mà còn kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Trong đó, hướng trở thành các không gian sáng tạo để mọi người đến với thư viện được giao lưu, trao đổi tri thức là khả dĩ hơn cả. “Đừng nghĩ thư viện chỉ là sách mà còn là các hoạt động văn hóa khác” - nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận.
Không thể sáp nhập hay xóa bỏ thư viện
Cùng thực trạng đáng buồn của các thư viện hiện nay với số lượng bạn đọc thưa thớt còn là vấn đề về nguồn nhân lực. Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Ủy viên Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết, ở nhiều cơ quan, đơn vị đã xuất hiện tình trạng, ai không làm được việc thì cho xuống làm thư viện. Vì vậy, trình độ của những người làm công tác này chưa theo kịp được yêu cầu của tình hình mới - thời đại 4.0.
Trong khi đó, đáng lý những người làm thư viện không chỉ là người quản lý số sách báo của thư viện đó mà còn là người hướng dẫn, định hướng bạn đọc. Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, các thư viện tuyến trên đã èo uột thì thư viện cấp huyện còn ảm đạm hơn. Sách, báo mốc meo, không có người đọc và nhiều thư viện không được cấp ngân sách hoạt động. Thậm chí ở nhiều địa phương đã có chủ trương sáp nhập thư viện vào nhà văn hóa, thậm chí là xóa bỏ.
Câu chuyện xóa bỏ hay sáp nhập thư viện, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nhất định không thể sáp nhập hay xóa bỏ thư viện. Bởi đó là nơi người dân nâng cao dân trí và được hưởng thụ các tinh hoa của nhân loại nhờ sách báo.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, thư viện tỉnh cần phải giữ lại. Thư viện và bảo tàng đều là những thiết chế văn hóa rất quan trọng và cần thiết nên mỗi tỉnh đều cần phải có thư viện, bảo tàng của tỉnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định tầm quan trọng của các thư viện trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, với các thư viện hoạt động kém hiệu quả rất cần tính tới việc sáp nhập. Ở đây sẽ có 3 lựa chọn để xử lý vấn đề của các thư viện hoạt động kém hoạt quả. Một là đổi mới để hiệu quả hơn, hai là “mặc kệ” và ba là sáp nhập hoặc xóa bỏ.
Phó Thủ tướng khẳng định không thể “mặc kệ” được, vì vậy, chỉ còn hai cách. Nếu không thể đổi mới để hoạt động hiệu quả cho các thư viện, đương nhiên không thể tránh khỏi việc bị sáp nhập hoặc xóa bỏ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ phát triển là thách thức lớn với nhiều ngành, trong đó có thư viện nhưng cũng mang lại thời cơ và đòi hỏi toàn ngành phải chủ động đối mặt với thách thức, từ đó biến thành thời cơ phát triển hiệu quả.
“Các thư viện hoạt động kém hiệu quả rất cần tính tới việc sáp nhập. Ở đây sẽ có 3 lựa chọn để xử lý vấn đề của các thư viện hoạt động kém hoạt quả. Một là đổi mới để hiệu quả hơn, hai là “mặc kệ” và ba là sáp nhập hoặc xóa bỏ. Tuy nhiên không thể “mặc kệ” được, vì vậy, chỉ còn hai cách. Nếu không thể đổi mới để hoạt động hiệu quả cho các thư viện, đương nhiên không thể tránh khỏi việc bị sáp nhập hoặc xóa bỏ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
“Nhất định không thể sáp nhập hay xóa bỏ thư viện. Bởi đó là nơi người dân nâng cao dân trí và được hưởng thụ các tinh hoa của nhân loại nhờ sách báo”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi
“Thư viện cần chuyển đổi mô hình sử dụng, trở nên năng động hơn bằng việc không chỉ đáp ứng nhu cầu đọc sách mà còn kiêm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác. Trong đó, hướng trở thành các không gian sáng tạo để mọi người đến với thư viện được giao lưu, trao đổi tri thức là khả dĩ hơn cả”.
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-vien-sap-nhap-hay-xoa-bo/792902.antd