Thư viện thân thiện góp phần phát triển văn hóa đọc trong trường học

Không chỉ giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học, thư viện thân thiện với không gian mở, hòa nhập với thiên nhiên, tạo hứng thú đọc sách thư giãn cho học sinh, đồng thời góp phần hình thành và lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Lộc (Hậu Lộc) đọc sách trong thư viện trường.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Lộc (Hậu Lộc) đọc sách trong thư viện trường.

Trường Tiểu học Phú Lộc (Hậu Lộc) hiện có thư viện đạt chuẩn, gồm 1 phòng đọc cho học sinh được bố trí đầy đủ bàn ghế 40 chỗ ngồi như một lớp học, 1 phòng đọc cho giáo viên, 1 khu thư viện mở bên ngoài sân trường thân thiện với thiên nhiên và tủ sách được bố trí tại mỗi lớp học với trên 1.500 đầu sách các loại phục vụ việc đọc sách cho học sinh và nghiên cứu tài liệu, bài giảng cho giáo viên.

Để thư viện hoạt động hiệu quả, cùng với việc xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện trong cả năm cho từng khối, lớp, nhà trường còn khuyến khích học sinh đọc sách tại thư viện mở vào giờ ra chơi, trước và sau khi tan học.

Cô Phạm Thị Vân, cán bộ thư viện – thiết bị Trường Tiểu học Phú Lộc chia sẻ: “Bên cạnh các hoạt động giới thiệu, hướng dẫn thực hiện nội quy và sử dụng thư viện, nhà trường còn tổ chức các hoạt động khuyến đọc, gồm đọc sách tại thư viện, không gian mở và mượn sách về nhà; tổ chức tiết đọc tại thư viện theo từng môn học, hoạt động giáo dục hoặc liên môn để tận dụng trang thiết bị và nguồn học liệu tại thư viện; tổ chức ngày đọc sách, tuần đọc sách; đọc sách theo chủ đề; thi kể chuyện theo sách; viết về sách; tổ chức hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm... Thông qua đó, giúp vun đắp tình yêu với sách cho học trò”.

Nhờ tổ chức tốt các hoạt động khuyến khích học sinh đọc sách, hỗ trợ học tập, kết nối như: Tra cứu theo chủ đề; viết, vẽ, làm việc nhóm; tương tác giữa các khối lớp; tổ chức các câu lạc bộ... đã giúp phong trào đọc sách trong nhà trường ngày càng phát triển. Năm học 2024-2025 nhà trường có học sinh Cao Thảo Nhi, lớp 4C đoạt giải Nhì cấp tỉnh tại Hội thi “Chúng em kể chuyện theo sách”.

Hào hứng, say mê, vui thích là những cảm xúc của các em học sinh và giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đông Yên (TP Thanh Hóa) khi tham gia “Ngày hội đọc sách” do nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh Thanh Hóa tổ chức ngay tại sân trường.

Em Lê Thanh Thúy, học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Yên, cho biết: “Em rất thích đọc sách vì điều này đem đến nguồn tri thức rất lớn. Đọc sách cũng là cách em trau dồi thêm các kỹ năng sống, kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong cuộc sống. Ở trường, các thầy, cô giáo luôn khuyến khích học sinh đọc sách bằng việc tổ chức nhiều hoạt động rất vui và bổ ích”.

Chia sẻ về lợi ích của việc đọc sách, thầy Lê Duy Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đông Yên cho rằng: “Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông, nhiều người đã “lãng quên” thói quen đọc sách. Việc tổ chức các hoạt động đọc sách trong nhà trường chính là dịp để truyền thông tới học sinh về ý nghĩa của việc đọc sách, giúp các em xây dựng và hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày”.

Không bó hẹp trong những không gian khô cứng, thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Thiệu Phú (Thiệu Hóa) có tổng diện tích 150m2 với hơn 4.600 đầu sách các loại. Thư viện được thiết kế hài hòa với cảnh quan tự nhiên, nhiều cây xanh. Tủ sách được sắp xếp khoa học, thuận tiện để học sinh tìm đọc, tra cứu.

Cô Vũ Thị Bích Ngọc, cán bộ thư viện – thiết bị Trường Tiểu học Thiệu Phú, cho biết: “Thư viện thân thiện mang lại cho các em học sinh và giáo viên nhà trường rất nhiều cảm hứng đọc sách. Nhiều học sinh thường tranh thủ giờ ra chơi hoặc giờ tan học, tự lựa chọn cuốn sách mà mình yêu thích và say mê đọc. Không chỉ đọc sách, các em còn được hướng dẫn tra cứu, tìm hiểu các loại sách; hướng dẫn tạo quang cảnh xanh, sạch, đẹp, ngăn nắp, xây dựng ý thức trách nhiệm đối với thư viện trường... Để hoạt động thư viện trở nên phong phú, nhà trường cũng thường xuyên thay đổi cách thức tuyên truyền, giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng”.

Hiện nay, tại thư viện của các trường học trên địa bàn tỉnh có tới hàng chục triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo. Trong đó, truyện, sách, báo dành cho học sinh chiếm từ 40 - 60%. Ngoài ra, các trường còn khuyến khích xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học hoặc xây dựng các khu thư viện mở, khu vui chơi ngoài sân trường để các em học sinh có thể ngồi đọc sách thoải mái hơn.

Không chỉ góp phần xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc, các hoạt động tại thư viện thân thiện như: Góc tra cứu, góc viết, vẽ, góc trò chơi... Cùng các hoạt động giới thiệu sách trong tiết chào cờ đầu tuần, tiết sinh hoạt lớp; tổ chức các hội thi liên quan đến đọc sách, kể chuyện theo sách... đã giúp học sinh có thêm nhiều hoạt động giải trí lành mạnh ngoài giờ học, tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu. Từ đó góp phần phát triển năng lực cá nhân, nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bài và ảnh: Tống Hương

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/thu-vien-than-thien-gop-phan-phat-trien-nbsp-van-hoa-doc-trong-truong-hoc-34891.htm