Thú vui lạ của bạn trẻ Sài Gòn, nuôi cua làm thú cưng trong nhà
Anh Nguyễn Thành Phú (26 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) tạo niềm vui mỗi ngày cho mình bằng việc nuôi hàng trăm con cua ẩn sĩ làm thú cưng trong nhà.
Ngày trước, anh Nguyễn Thành Phú nuôi chó mèo, nuôi cá làm thú cưng, mãi cho đến cuối năm 2019, trong một lần tình cờ thấy người ta bán cua làm cảnh, anh tò mò nên đã nuôi thử và bắt đầu đam mê.
Giống cua này có tên gọi là cua ẩn sĩ, tại Việt Nam còn có tên gọi khác là ốc mượn hồn. Bởi đặc điểm loài cua này sẽ chui mình vào các vỏ ốc rỗng để trú ẩn và mang theo khi di chuyển.
Cua ẩn sĩ sống trong môi trường trên cạn nhưng phải đảm bảo đủ độ ẩm và không khí mát mẻ. Chỉ tay về phần cát trắng bên trong hồ, anh Phú nói: “Người nuôi phải biết sử dụng cát biển hoặc xơ dừa để lót bên dưới cho cua có không gian hoạt động cũng như trú ẩn khi lột xác”. Ngay cả phần ánh sáng trong hồ nuôi cũng được anh đặc biệt lưu ý, chỉ nhằm mục đích trang trí nên anh ưu tiên chọn loại đèn ánh sáng dịu nhẹ để hồ không quá nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cua.
Cua ẩn sĩ thuộc loại ăn tạp nên có thể ăn được trái cây, rau củ quả, thịt cá… và sử dụng nước biển để vệ sinh, nước ngọt để uống. Mỗi ngày, anh sẽ dành thời gian cho cua ăn vào khoảng 20 giờ, dựa vào tập tính của cua ẩn sĩ sẽ ở ẩn vào ban ngày và hoạt động mạnh vào ban đêm.
Nói về không gian sống của cua, anh Phú nhấn mạnh: “Diện tích tối thiểu là 60x40 cm cho một con cua lớn sinh sống. Không gian luôn phải rộng rãi, thoải mái để cua sinh hoạt, di chuyển”.
Về quá trình lột xác của cua ẩn sĩ thường kéo dài từ 2 đến 4 tháng. Suốt khoảng thời gian này, chúng sẽ tự cô lập khỏi bầy đàn, ẩn mình dưới lớp cát hoặc xơ dừa. Giai đoạn này, cơ thể của cua rất yếu, dễ bị tổn thương nên đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức và có sự kiên nhẫn chờ đợi. “Khi đang lột xác thì không nên đụng chạm hoặc đào bới cua lên vì làm như vậy cua sẽ bị ảnh hưởng tinh thần dẫn đến stress, tệ hơn thì dẫn đến chết” - Anh Phú chia sẻ kinh nghiệm.
Chế độ chăm sóc cua ẩn sĩ không quá cầu kỳ, có thể 2 đến 3 ngày cho ăn 1 lần, vệ sinh nơi ở. Đặc biệt, cần chú ý không nên để lượng thức ăn dư thừa quá lâu trong hồ chậu khiến cho vi khuẩn dễ sinh sôi, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với anh Phú, sau một ngày làm việc trở về nhà, được nâng niu con cua trong lòng bàn tay, ngắm nhìn tỉ mỉ, thỉnh thoảng lại trò chuyện, tâm sự như người bạn, chỉ đơn giản vậy thôi cũng đủ xóa tan mọi sự mệt mỏi trong anh.
Khi được hỏi về điều khó khăn trong khi chăm sóc, anh Phú cho biết: “Cua bị bệnh rất khó biểu hiện ra bên ngoài, vì thế người nuôi cũng khó để nhận ra sớm để chữa trị cho phù hợp. Chỉ đến khi cua chui ra khỏi vỏ ốc thì mới có thể nhận biết nhưng lúc này đã quá trễ, tỉ lệ cứu chữa không còn cao”.
Hiện nay khu vực bờ biển nơi cua sinh sống đang dần bị bê tông hóa để phục vụ du lịch nên số lượng cua ẩn sĩ ở tự nhiên không còn nhiều. Vì vậy thú vui nuôi cua làm thú cưng của những người như anh Phú cũng là cách góp phần bảo tồn loài động vật này.
“Nếu biết tận dụng, việc nuôi cua không chỉ đơn giản là thú vui mà còn có thể giúp phát triển kinh tế. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn cùng chung đam mê để lan tỏa mô hình nuôi con vật này nhiều hơn”- Anh Phú chia sẻ.