Thừa cân-béo phì ở trẻ là nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao, mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Mà thừa cân-béo phì ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khi trưởng thành.
Theo kết quả từ Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bộ Y tế bày tỏ lo ngại “Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng”. Trong đó, thừa cân - béo phì được xem là tăng nhanh đến đáng ngại.
Trên thế giới, vấn đề thừa cân - béo phì ở trẻ em đang là vấn đề thách thức ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn ở mức cao tới 23,2%, tỉ lệ thừa cân - béo phì có xu hướng tăng nhanh nhất là ở thành thị, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa...
PGS-TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nguyên nhân chính là do mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao, xuất phát từ tâm lý ông bà cha mẹ thích trẻ bụ bẫm, nên đã ép trẻ ăn rất nhiều.
Trẻ bắt đầu thừa cân từ tuổi mầm non, tiếp tục tăng cân ở tuổi tiểu học và có thể sẽ bị béo phì ở tuổi tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông... Quan niệm rằng trẻ mập một chút rồi sau này sẽ gầy đi nhưng thực tế không phải như vậy mà trẻ càng này càng thừa nhiều cân hơn dẫn đến béo phì.
Để phòng chống thừa cân - béo phì ở trẻ, hầu hết các chuyên gia dinh dưỡng đều đưa ra lời khuyên là thực hiện chế độ ăn đủ nhu cầu, tuyệt đối không được giảm hay nhịn ăn vì cơ thể trẻ đang phát triển. Trong chế độ ăn của trẻ cần cung cấp đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng, đủ nhu cầu về năng lượng khẩu phần từ các chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin và đủ nước cho cơ thể. Tỷ lệ các chất đạm, chất béo từ nguồn động vật và thực vật cân đối hợp lý. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh bằng các thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm ít chất béo, ít đường và muối.
Cho trẻ ăn nhóm rau quả cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp cơ thể trẻ phát triển, giúp nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật. Tập cho trẻ ăn rau quả ngay từ khi còn nhỏ, với cách chế biến phù hợp. Nên ăn đa dạng các loại rau quả, đa màu sắc.
Đặc biệt chú ý hạn chế cho trẻ ăn các nhóm gồm: chất béo, thức ăn giàu năng lượng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, bánh kẹo và nước ngọt. Hạn chế tất cả các thực phẩm nhiều chất béo, nhiều cholesterol như: thịt mỡ, nước luộc thịt, bơ, pho mát, các món xào rán, não, tim, gan, lòng lợn; Các loại đồ ngọt như: đường, mật ong, bánh kẹo, nước ngọt, các loại sữa có đường,… vì chúng chứa nhiều năng lượng làm gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, tạo khối cơ và sức bền cho trẻ. Không cho trẻ thức khuya, vừa xem tivi, xem điện thoại trong lúc ăn cơm, hạn chế tối đa thời gian tĩnh tại. Tất cả trẻ nhỏ nên dành ít nhất 180 phút/ngày cho nhiều loại hoạt động thể chất ở nhiều cường độ. Trong đó, với trẻ 3-4 tuổi nên dành ít nhất 60 phút cho các hoạt động thể chất từ trung bình đến cường độ mạnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh mạn tính cao, mỗi ngày có 80 người tử vong vì các bệnh liên quan đến tiểu đường. Mà thừa cân - béo phì ở trẻ nhỏ là một trong những nguyên nhân dẫn đến béo phì và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành. Phụ huynh cần chú trọng và nâng cao cảnh giác với tình trạng thừa cân - béo phì ở trẻ, để điều chỉnh cách ăn uống, vận động cho con phát triển toàn diện, GS-TS. Nguyễn Gia Khánh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam đưa ra lời khuyên.